Quá khứ lầm lạc
Cách đây gần 8 năm, sau vụ tiêu cực của đội U23 tại SEA Games 2005, việc Quốc Anh “dính chàm” đã khiến càng làng bóng đá trong nước bất ngờ. Riêng với những người làm bóng đá Đà Nẵng, người dân miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam, quê hương Quốc Anh) thời điểm ấy, đó còn là cảm giác đi từ bàng hoàng tới ngỡ ngàng…
Quốc Anh (trái) xứng đáng nhận QBV Việt Nam 2012. Ảnh: Minh Hoàng |
Đơn giản, Quốc Anh nổi tiếng ngoan, lành và là một tài năng hiếm có của bóng đá xứ Quảng Đà: “Hắn hiền như con gái vậy mà” (nói theo cách của HLV Phan Công Thìn – người có công phát hiện, dìu dắt Quốc Anh từ những bước đi đầu tiên ở đội trẻ Đà Nẵng).
Chưa ai quên, những ngày đầu trở lại ở lượt về V.League 2008 sau gần 3 năm xa bầu không khí thi đấu đỉnh cao, Quốc Anh gần như phải “bịt tai” mà đá.
Trên các khán đài, mỗi khi Quốc Anh chạm bóng lại vang lên điệp khúc: “bán độ, bán độ” được nhóm cổ động viên đối phương hô vang.
Ấy vậy nhưng tiền vệ có cái chân trái thuộc dạng xưa nay hiếm ở Việt Nam vẫn biết cách chứng minh giá trị với việc đóng góp 3 bàn thắng cho đội bóng (cả 3 trận Quốc Anh ghi bàn, SHB.Đà Nẵng đều thắng HAGL 4-0, Thể Công 4-3, K.Khánh Hòa 2-0 lần lượt ở vòng 19, 22, 23) giúp SHB.Đà Nẵng cập bến V.League 2008 với vị trí thứ 4.
“Vàng mười” Quốc Anh
Trao đổi với Dân Việt xung quanh những nỗ lực vượt qua chính mình của Quốc Anh, ông Lê Nguyên Hồng – nguyên Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng và hiện đang là Chủ tịch CLB hạng Nhất Quảng Nam cho biết: “Ngày đó, nghe tin Quốc Anh bị bắt, chúng tôi rất sốc. Bản thân tôi từng lên tận miền núi Trà My để xin Quốc Anh về thi đấu cho Đà Nẵng, tình cảm như cha con vậy.
Khi Quốc Anh bị tạm giam, lại không thể vào thăm, chúng tôi vẫn gửi quà để động viên cháu. Sau này, Đà Nẵng vẫn chu cấp lương, cũng như điều kiện ăn ở, tập luyện bình thường cho Quốc Anh, bởi ai cũng đánh giá cao tài năng của cậu ta và tương lai phía trước còn rất dài”.
Theo ông Hồng, với những nỗ lực phi thường để vươn lên, đóng góp cho SHB.Đà Nẵng (vô địch V.League 2009, 2012, đoạt Cúp Quốc gia 2009, Siêu Cúp Quốc gia 2012-PV) và đội tuyển quốc gia trong thời gian qua, Quốc Anh xứng đáng nhận QBV Việt Nam 2012: “Nói thì dễ nhưng làm được thì quá khó. Trong nhóm 7 cầu thủ U23 dính tiêu cực SEA Games 2005, giờ chỉ có Quốc Anh có thể trở lại vững vàng như vậy.
Thực lòng, chứng kiến Quốc Anh tỏa sáng, chúng tôi mừng và hạnh phúc lắm. Cuối cùng thì cháu cũng đã không phụ sự kỳ vọng của những người yêu mến, luôn ở bên động viên mình”, ông Hồng bày tỏ.
Trở lại thời điểm cuối năm ngoái, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu bết bát và phải nếm trải thất bại vô cùng cay đắng ở AFF Cup 2012, Quốc Anh vẫn là một trong những cầu thủ hiếm hoi ra sân thi đấu bằng tất cả ý chí, niềm tin.
Gặp phóng viên Dân Việt ở Bangkok (Thái Lan) khi đội tuyển đứng trước nguy cơ bị loại ngay sau vòng bảng, Quốc Anh chỉ nói ngắn gọn: “Mỗi khi ra sân, tôi chỉ biết thi đấu hết sức mà thôi. Tôi có thú vui lên mạng tìm hiểu các thông tin về khoa học công nghệ, xe cổ, và còn… học thêm tiếng Anh. Nhưng đội tuyển không có kết quả tốt, tôi cũng bỏ lên mạng luôn vì rất buồn nếu đọc phải những bài viết về đội tuyển”.
Sau AFF Cup 2012, Quốc Anh tiếp tục là một nhân tố không thể thiếu trong tập thể do tân HLV Hoàng Văn Phúc xây dựng. Tại vòng loại bảng E Asian Cup 2015, anh là người ghi bàn thắng duy nhất cho đội tuyển Việt Nam tính tới lúc này (bàn gỡ hòa 1-1 trong trận thua chung cuộc đội khách UAE 1-2): “Quốc Anh thực sự là một tấm gương về ý chí vượt khó cũng như khả năng chuyên môn trên sân cỏ. Cậu ta rất cần cho đội tuyển trong tương lai”, HLV Hoàng Văn Phúc nói.
Những “điểm sáng” được vinh danh tại đêm Gala 7.5
- Cầu thủ nữ trẻ xuất sắc nhất: Chương Thị Kiều (TP.HCM)
- Cầu thủ nam trẻ xuất sắc nhất: Trần Phi Sơn (SLNA)
- Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất: Merlo (SHB.Đà Nẵng)
- Quả bóng vàng nữ: Đặng Thị Kiều Trinh (TP.HCM), Quả bóng Bạc: Lê Thị Thương (Than Khoáng sản Việt Nam), Quả bóng Đồng: Nguyễn Thị Ngọc Anh (Hà Nội)
- Quả bóng vàng nam: Huỳnh Quốc Anh (SHB.Đà Nẵng), Quả bóng Bạc: Lê Tấn Tài (V.Hải Phòng), Quả bóng Đồng: Nguyễn Minh Phương (SHB.Đà Nẵng)
Lê Đức