Việc người dân hút thuốc tại quán ca phê khá phổ biến (Ảnh: Minh Nguyệt).
Thực tế này được chỉ ra tại hội thảo cung cấp thông tin về thực thi nhà hàng không khói thuốc được tổ chức ngày 16.11.
82% khách ủng hộ không khói thuốc
Khảo sát mới đây (năm 2015) của Tổ chức Healthbridge thì có tới 76% khách hàng cho rằng quy định cấm hút thuốc lá trong nhà hàng là có ích; 82% khách hàng ủng hộ thực thi nhà hàng không khói thuốc, trong đó 56% khách hàng hút thuốc ủng hộ. Chỉ có 14% khách hàng hút thuốc không ủng hộ.
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho biết: “Có 8 tiêu chí để xây dựng nhà hàng không khói thuốc, trong đó có nội dung hoặc biển báo cấm hút thuốc trong nhà hàng; không có gạt tàn, bật lửa trên bàn; không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá trong nhà hàng; nhân viên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc; có hình thức xử phạt với nhân viên hút thuốc lá trong nhà hàng...”. |
Điều tra năm 2015 của Bộ Y tế cũng cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động ở một số điểm công cộng ở mức cao ngất ngưởng. Dẫn đầu là quán bar (80,7%) và cà phê (99,1%), tiếp sau đó là nhà với 59%, nơi làm việc gần 43%. Điều đặc biệt, ở một số nơi giao thông công cộng nhờ Bộ Giao thông- Vận tải đưa vào nội quy cấm thuốc lá nên tỷ lệ người hút thuốc lá, và hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể. Năm 2010 là 34,3% thì năm 2015 chỉ còn có 9,4%.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam thì khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Người thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ mắc các bệnh gây ung thư phổi, tim mạch bệnh đường hô hấp, tăng nguy cơ làm dị tật bẩm sinh, đẻ non, thậm chí là đột quỵ, tử vong ở trẻ sơ sinh…
Lo ngại chế tài xử phạt còn nhẹ
Về giải pháp để đẩy mạnh thực thi quy định nhà hàng không khói thuốc tại quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Thị Tô Hiền- Trưởng Phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết thời gian gần đây Ủy ban cũng đã tổ chức mở 2 lớp tập huấn cho chủ nhà hàng. Có 120/250 nhà hàng ký cam kết thực hiện nhà hàng không khói thuốc.
“Để tập huấn, chúng tôi đã phải chọn kỹ các đối tượng. Chỉ chịu tập huấn với chủ nhà hàng, quán bar bởi chỉ có họ sau khi tập huấn mới đưa ra được quyết định áp dụng và ký cam kết thực hiện”- bà Hiền nói.
Thực tế, qua quá trình triển khai bà Hiền cũng cho biết có nhiều nhà hàng chủ động, xây dựng nội quy phòng chống tác hại của thuốc lá mà không cần đợi tới đợt tập huấn cả đơn vị. Ví dụ như, có nhà hàng xây dựng hẳn nội quy không phục vụ khách hút thuốc, không tuyển nhân viên hút thuốc lá, phạt tiền, trừ tiền lương nếu nhân viên vi phạm nội quy…
Bà Đoàn Thu Huyền - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các nhà hàng, quán bar làm khá tốt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Một số đơn vị chưa làm tốt, hoặc làm chưa đầy đủ thì mình đưa vào văn bản kiểm tra, sau 10 ngày để hoàn thiện, khắc phục. Nếu các cơ sở có vi phạm, không hợp tác, tỏ ra chống đối thì sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính.
“Năm 2015, quỹ phối hợp với thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt được hơn 100 đơn vị, thu 91 triệu đồng, một con số khiêm tốn nhưng nó là một tín hiệu tốt để cảnh báo những đơn vị không hợp tác thực hiện. Từ giờ tới cuối năm 2016 đoàn Bộ Y tế cũng đang tiến hành thanh tra, nếu phát hiện sẽ xử phạt ngay”- bà Hiền nói.
Bà Hiền cũng phủ nhận ý kiến của một số người cho rằng việc quy định xử phạt hành vi vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá trong nhà hàng như Nghị định 176/2013 quy định là quá nhẹ. Bà Hiền cho rằng, việc xử phạt với những lỗi vi phạm là rất nặng.