Hình ảnh cá mập cắn sợi cáp quang dưới đáy biển được thiết bị lặn không người lái ghi lại năm 2010. Ảnh: YouTube.
Các vụ cá mập tấn công sợi cáp quang dưới đáy biển khá phổ biến. Theo bài báo đăng trên New York Times năm 1987, bằng chứng đầu tiên về hành vi cắn cáp quang của cá mập được pháp hiện trên một đường cáp thử nghiệm ở ngoài khơi quần đảo Canary.
James M. Barrett, cựu phó giám đốc kỹ thuật quốc tế ở Công ty điện thoại và điện báo Mỹ (AT&T) cho biết khoảng 88.500 - 96.500 km đường cáp dưới đáy biển cũ làm từ đồng không có vết cá mập cắn, có nghĩa cá mập đặc biệt thích nhai sợi cáp quang.
Một số người tin rằng dòng điện chạy qua đường dây cáp quang thu hút cá mập, kích thích cảm giác thèm ăn ở chúng. Họ cho rằng cá mập có các cảm biến điện thế ở miệng để tìm mồi, do đó chúng có thể nhầm sợi cáp quang với thức ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giả thuyết này không có cơ sở, vì cáp quang truyền dẫn tín hiệu bằng ánh sáng, không có dòng điện chạy qua nên không thể tạo cảm giác thèm ăn cho cá mập.
Tiến sĩ Chris Lowe, một trong những sáng lập viên của Phòng thí nghiệm Cá mập ở Đại học California, Long Beach, cho rằng cá mập tấn công sợi dây cáp vì lý do khác. Theo tiến sĩ Lowe, cá mập có thể tò mò trước sợi cáp quang. "Nếu bạn để một đoạn nhựa có hình dáng như sợi cáp quang, nhiều khả năng chúng cũng cắn đoạn nhựa đó", Forbes dẫn lời tiến sĩ Lowe. Sợi cáp quang dưới đáy biển cũng dễ bị hư hại do mỏ neo tàu thuyền và động đất.
Nhằm đối phó với các vụ tấn công cáp quang từ cá mập, công ty Google ở Mỹ đã đầu tư 300 triệu USD vào hệ thống cáp quang dưới đáy biển mang tên FASTER hồi tháng 8.2014. Hệ thống cáp FASTER không chỉ cung cấp đường truyền tốc độ cao hơn cho các quốc gia châu Á mà còn được bao phủ vật liệu tương tự sợi Kevlar vốn dùng để làm áo giáp chống đạn. Độ bền của sợi Kevlar được hy vọng có thể chống lại những cú cắn của cá mập, bảo vệ đường cáp quang quan trọng dưới đáy biển.