Đường dài hụt hơi
Bác Lê Đức Tuấn- một khán giả tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Tôi là một khán giả xem phim “Chủ tịch tỉnh” từ những tập đầu tiên, không bỏ sót một chi tiết nào nhưng càng về những tập cuối phim, tôi thấy chán hẳn.
Tác giả kịch bản, đạo diễn không giữ được tính chính luận của phim, cứ sa đà vào những chuyện lặt vặt rồi kể lể cà kê dê ngỗng. Tôi mong đợi ông Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ tiếp tục cuộc đấu tranh với những đồng sự biến chất ở tỉnh Đông Giang, làm cho ra ngô ra khoai chuyện sân golf, chuyện cướp đất làm dự án, đằng này chỉ thấy ông ấy khá giáo điều, toàn những điều tốt đẹp kiểu sách vở.
Cảnh trong phim “Chủ tịch tỉnh”. |
Nếu phim “Bí thư Tỉnh uỷ” làm nổi bật được công trạng, đóng góp của ông Kim Ngọc, ông làm cho đời sống người nông dân thay đổi hẳn thì phim “Chủ tịch tỉnh” chưa xây dựng được chân dung một nhà lãnh đạo của thời đại mới. Trong phim, dân vẫn mất đất, các quan chức vẫn tham nhũng triền miên và trót lọt”.
Một khán giả khác, ông Chu Tuấn Phong ở quận Cầu Giấy cũng bày tỏ sự bức xúc: “Càng về cuối phim càng lê thê và đi ra ngoài chủ đích ban đầu. Tôi không hiểu đạo diễn có ý tưởng gì mà để cho chi tiết ông Cường - Tổng Biên tập Báo Thời Nay đau khổ khi phát hiện ra cô bồ ca sĩ phản bội mình kéo dài thành một trường đoạn phim dài.
Mối quan hệ của ông Cường- người chuyên ăn tiền để chỉ đạo phóng viên “đánh” người này, tâng bốc người kia với cô bồ ca sĩ chỉ là tiền trao cháo múc, làm gì đến nỗi đau khổ như một tình yêu chân chính để mà phải tạo cảnh thương cảm đến như vậy? Tôi có cảm giác các nhà làm phim đi lạc đường, chẳng biết lúc nào là cần phải phê phán, lúc nào là phải biểu dương nữa”.
Nhiều khán giả cũng cho biết về cuối phim, họ bắt đầu thấy chán với mạch phim chậm, nhiều trường đoạn hồi tưởng quá khứ của kịch bản “Chủ tịch tỉnh”, có những đoạn nhân vật chỉ cần nói một hai lời là xong. Ví dụ thay vì cô nhà báo Hương Bình có thể nói về chồng cũ của mình bằng một câu: “Anh ấy không phải nhà báo chân chính, phản bội vợ lăng nhăng với người tình” thì phim lại dành đến một nửa tập để kể lể về những chuyện trong quá khứ khiến người xem mệt mỏi.
Chỉ là giấc mơ?
Trao đổi với phóng viên, đạo diễn Bùi Huy Thuần cho biết: “Việc những tập cuối của phim dành thời lượng nhiều cho chuyện có con riêng của ông Trí Tuệ là điều đã có sẵn trong kịch bản, không phải đạo diễn cố tình kéo dài phim ra mà do chúng tôi quan niệm: Cần có thêm “đất” để khắc họa phần “đời” của ông Chủ tịch tỉnh bởi cũng có khán giả thắc mắc, ông Trí Tuệ hoàn hảo quá, ông ấy không có tỳ vết gì hay sao”. Thế nhưng, cách giải thích này của đạo diễn chưa hợp lý ở chỗ, dành nhiều “đất” khác với dành nhiều thời lượng chỉ để xới đi xới lại, “dền dứ” mỗi một chi tiết ông Tuệ có con riêng.
Thêm vào đó, phim còn nhiều chi tiết phi lý như chuyện nhà ông Bí thư Tỉnh ủy, cô con gái rượu vác cái bụng to tướng sắp đến ngày sinh đi lại trong nhà mà ông bố vẫn không hay biết, thật khó hiểu được một vị lãnh đạo “quan liêu” trong việc tư đến như vậy lại có thể “đi sâu đi sát” trong việc công.
Tiếp theo ấn tượng tốt về tính chính luận của hàng loạt phim do VFC sản xuất như “Luật đời”, “Chạy án”, “Bí thư Tỉnh ủy”... nhiều người kỳ vọng “Chủ tịch tỉnh” sẽ nối tiếp được mạch này, tạo nên một hình mẫu người lãnh đạo của thời đại mới, dám đấu tranh đến cùng với cái xấu và bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người dân. Thế nhưng càng xem thì càng thấy, mẫu hình đó cũng chỉ là một giấc mơ chưa thành mà thôi.
Khép lại một bộ phim được nhiều kỳ vọng, ấn tượng tốt nhất mà phim tạo được là diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội với các nghệ sĩ tài năng như Phạm Cường, Minh Hằng, Minh Hòa... và để lại thật nhiều nuối tiếc cho khán giả.
Lê Tâm