Dân Việt

Cuộc “ly dị” ma túy xuyên thế kỷ

29/08/2011 11:19 GMT+7
(Dân Việt) - A Câu kể, khi đã nghiện rồi thì mọi việc nhà giao hết cho vợ, con, mình chỉ biết ăn xong là nằm hút thôi. Cái tay quên mất cầm dao, cầm cuốc; cái đầu không nhớ tới hạt lúa, bắp ngô; mắt mờ vì khói thuốc.

Kỳ I: Thuốc phiện trở thành... thế mạnh!?

Thực hiện Nghị quyết số 06/CP ngày 29.1.1993 của Chính phủ về xoá bỏ cây thuốc phiện và tăng cường công tác phòng, chống ma tuý, tỉnh Sơn La đã bắt tay vào cuộc "ly dị" xuyên thiên niên kỷ với ma tuý và đã đạt được nhiều kết quả lớn...

Cuộc sống bên... bàn đèn

Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên cả nước, việc trồng và sử dụng thuốc phiện trong sinh hoạt đã ăn sâu vào đời sống bà con người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, La Ha… ở Sơn La từ xa xưa. Những già làng ở đây cũng không biết được thuốc phiện được sử dụng từ bao giờ nhưng "từ thời bố mình đã thấy nghiện thuốc phiện rồi. Đến khi mình có đứa cháu nội đầu tiên thì mình cũng nghiện nốt"-lão nông Phàng A Câu, gần 70 tuổi ở xã Làng Chêu, huyện Bắc Yên, nhớ lại.

img
Bà Lường Thị Cấu - con nghiện ma tuý nặng nhất của đất Huổi Một, huyện Sông Mã, Sơn La, đã giã từ được nàng tiên nâu.

A Câu kể, khi đã nghiện rồi thì mọi việc nhà giao hết cho vợ, con, mình chỉ biết ăn xong là nằm hút thôi. Cái tay quên mất cầm dao, cầm cuốc; cái đầu không nhớ tới hạt lúa, bắp ngô; mắt mờ vì khói thuốc. Hết gạo ăn, vợ con nhịn đói cũng không cần biết, chỉ quan tâm tới bàn đèn có thuốc phiện hay không…

Thế rồi khi thuốc phiện trở thành mặt hàng phục vụ cho sản xuất chất kháng sinh trong khối xã hội chủ nghĩa ở thập kỷ 70-80 vừa qua, cây thuốc phiện thành cây mũi nhọn trong nông sản Sơn La.

Ông Lò Văn Sơn, dân tộc Sinh Mun ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, nhớ lại: Cây thuốc phiện ngày ấy nhiều lắm, ở đâu cũng thấy trồng. Những mảnh nương, rừng tốt nhất được dành cho cây thuốc phiện. Thuốc phiện được sử dụng để hút với người nghiện, để tiếp khách sang khi nhà có công việc lớn, để trao đổi hàng hoá và chữa trị những bệnh thông thường.

Người lớn ở đây ai cũng biết trồng, thu hoạch và sử dụng thuốc phiện. Mùa thu hoạch nhựa cây thuốc phiện vào dịp ăn tết xong, vui lắm nhưng cũng buồn lắm vì no ma tuý mà vẫn đói cơm ăn, số người nghiện hút thì ngày một tăng lên…

Trong số những địa bàn trồng thuốc phiện thì chỉ duy nhất có huyện Mộc Châu "gắn" được trồng cây thuốc phiện với trồng cây rau cải mèo làm hàng hoá. Ngày ấy, thương nghiệp thị xã Sơn La phải đánh ô tô xuống tận huyện Mộc Châu để thu mua rau cải mèo từ những nương thuốc phiện về phục vụ đời sống đô thị.

Lạ cái là cải mèo trồng xen với cây thuốc phiện rất tốt, có cây cao vượt đầu người lớn, nặng tới hơn 1-2kg và đặc biệt là ăn ngon hơn nhiều so với cải thông thường. Nhưng vì mùa cải mèo rất ngắn và thương nghiệp cũng chỉ thu mua số lượng có hạn nên cây cải mèo chẳng thể cứu đói được với người trồng cây thuốc phiện. Không ít chuyện đau lòng từ những người trồng, nghiện hút, sử dụng thuốc phiện đã xảy ra…

Những mảnh đời ám khói

Một trong những nạn nhân khốn khổ ấy là bà Lường Thị Cấu, dân tộc Sinh Mun ở bản Pá Công, xã Huổi Một, huyện Sông Mã. Lấy chồng là thầy lang kiêm thầy cúng nên gia đình bà tuy không trực tiếp trồng thuốc phiện nhưng luôn dư dả nàng tiên nâu bởi người khác mang đến biếu.

"Ngày ấy, khi đã đi nhờ thầy cúng, thầy mo hoặc nhà có ma chay, cưới xin, lên nhà mới đều phải có thuốc phiện mới sang. Nhà chồng tôi có rất nhiều người mang thuốc phiện biếu nên nghiện hút nhiều năm mà chẳng phải mua".

Để cho “bằng chồng" và cũng là ý muốn của ông Hối-chồng bà muốn giữ vợ trong lúc mình nằm co cả ngày bên bàn đèn nên bà Cấu cũng cùng chồng hút thuốc phiện và rồi thành con nghiện nữ nặng nhất vùng đất Huổi Một.

"Mỗi ngày, tôi hút 3 bữa, bữa nhiều như buổi tối tới hơn 100 bi, nhiều hơn cả chồng mình. Năm 1992, chồng tôi mất cũng là mất nguồn thuốc phiện khách dâng biếu, lại vào thời điểm Nhà nước triệt phá cây thuốc phiện, tôi phải ăn cắp và bán cả trâu, bò, lợn, thóc, gạo, ngô… của con cái để lấy thuốc hút" - bà Cấu ngậm ngùi kể lại quá khứ đau buồn của mình.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy Sơn La, vào thời điểm những năm 80 ấy, diện tích trồng cây thuốc phiện từng lên tới 4.368ha với sản lượng nhựa hàng năm gần 20 tấn. Khi đó, dân số Sơn La chỉ hơn nửa triệu người và hầu hết thuộc diện đói nghèo, nhà gianh tre, dột nát.

Như mọi số phận con nghiện khác, bà Cấu cũng bước vào giai đoạn đỉnh điểm của khốn khó trong căn nhà rách nát tồi tàn giữa bản với "tài sản duy nhất" là cô con dâu hiếu thảo đã kiệt sức vì phục vụ mẹ chồng. Không còn gì để lấy cắp bán, bà Cấu đã biến nhà mình thành điểm hút hít để kiếm chút thuốc vương vãi nhưng rồi cán bộ xã, bản cũng đến can thiệp, triệt phá tụ điểm.

Năm 2007, khi đã bước vào tuổi trên 80 với thâm niên tới hơn 40 năm nghiện hút, không còn đứng vững do thiếu ăn và thiếu thuốc, được con dâu giúp đỡ, khuyên can hết mình, bà Cấu đã tự cai nghiện ma tuý và đã thành công.

"Kể từ đó đến nay, tôi mới được sống những ngày hạnh phúc nhất của đời mình bên con, cháu. Nhà nước và dân bản cũng đã giúp tôi dựng cái nhà vững chãi này để ở. Tôi mong con, cháu mình đừng mắc vào tệ nạn ma tuý nữa"-bà tâm sự.

Kỳ II: Người đầu tiên tuyên chiến với ma tuý