Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu Sở Thông tin chủ trì đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống loa phường, trong quý I-2017).
Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá hệ thống loa phường. Ảnh: Giang Huy.
Việc đánh giá này theo hướng, nếu hệ thống loa phường ở đâu còn tác dụng tốt thì giữ, nơi nào không phù hợp (về công nghệ, nội dung, hình thức tuyên truyền) có thể xóa bỏ; thay thế bằng hình thức khác như ứng dụng thiết bị thông minh cho các hộ gia đình trên toàn địa bàn.
Giám đốc Sở Thông tin Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, đơn vị đang triển khai các công việc theo yêu cầu của Chủ tịch thành phố, sau khi có kết quả rà soát, Sở sẽ đề xuất giải pháp cụ thể.
Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban văn hóa HĐND TP Hà Nội cho hay, lâu nay cử tri Hà Nội đã phản ánh ý kiến đa dạng về loa phường. Có ý kiến cho rằng ở khu vực ngoại thành, loa phường vẫn đem lại hiệu quả thông tin. Tuy nhiên một số nơi loa phường phản tác dụng vì nội dung chất lượng làm chưa tốt, giọng người đọc chưa hay, thời điểm phát sóng không phù hợp, lúc người dân cần nghỉ ngơi lại phát.
Là người từng đưa đề xuất rà soát, đánh giá lại hiệu quả loa phường, bà Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13) nói bà từng nhận được rất nhiều phàn nàn của cử tri về loa phường “suốt ngày ra rả, đi làm về không được nghỉ ngơi vì tiếng ồn, thông tin đưa ra thì không mới”.
“Cần có khảo sát, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chọn những địa điểm, giờ phát phù hợp nhất”, bà An nói.
Nhiều báo nước ngoài đã viết về hệ thống loa phường ở Việt Nam. Ảnh: Reuters
Quảng Ninh. Ông Vũ Công Lực (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn tỉnh đang "hoạt động rất tốt". Theo ông này, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, ở Hà Nội các hộ dân cư sinh sống liền kề, có thể ứng dụng thiết bị khác để thông tin hiệu quả. Còn ở Quảng Ninh, nhiều nơi phải có loa truyền thanh để đưa thông tin đến dân bản, vì họ ở xen kẽ giữa các quả đồi.
Ông Lực nói, loa phát thanh của khoảng trên 40 xã, phường trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp, cần được đầu tư để tiếp tục hoạt động.
Nghệ An. Sở Thông tin Truyền thông tỉnh này cho hay, toàn địa bàn có 480 xã, phường và hầu hết được lắp đặt loa truyền thanh cơ sở, trong đó khoảng 2/3 đang hoạt động bình thường, số còn lại hỏng hóc chưa khắc phục.
Theo Sở này, hệ thống truyền thanh cơ sở được đánh giá "phát huy tác dụng tốt", đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ở thành phố, thị xã, có ý kiến phản ánh loa không còn tác dụng hoặc gây phiền phức khi đặt gần một số nhà dân. Tuy nhiên loa vẫn phát huy tác dụng với đa số.
"Ở thời điểm hiện tại, chưa có ý kiến hay đề xuất của cá nhân hay cơ quan nào về việc xóa loa truyền thanh cơ sở", Sở Thông tin Nghệ An cho hay.
Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng quản lý báo chí xuất bản (Sở Thông tin Hà Tĩnh) cho biết, hiện 262 xã trên địa bàn toàn tỉnh có Trạm truyền thanh cơ sở, trong đó 196 Trạm truyền dẫn tín hiệu vô tuyến FM (sử dụng tần số), 66 trạm truyền dẫn tín hiệu hữu tuyến (có dây). Cùng với các trạm ở cấp xã là 3.495 cụm loa/2.158 thôn (xóm).
Trong thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối..., truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai (lũ lụt, cháy rừng), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... "Đây là kênh thông tin nhanh nhất, trực tiếp nhất đến với người dân. Mới đây, Ban Bí thư có chỉ thị về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, tiếp tục đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở, trong đó có truyền tranh cấp xã", ông Dũng nói.
Theo Sở Thông tin Hà Tĩnh, đa số "loa phường" được giao cho cán bộ ở cơ sở phụ trách theo hình thức kiêm nhiệm, mỗi tháng được hỗ trợ vài trăm nghìn đồng, khi loa máy hỏng thì trích số tiền đó để sửa chữa.
Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Đức Hùng (Phó giám đốc Sở Thông tin) cho biết, Huế rất coi trọng hệ thống loa phường xã trong việc thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, vì vậy Huế sẽ không xem xét bỏ hệ thống này như ở Hà Nội.
Đà Nẵng. Sở Thông tin thành phố cho hay đã kiến nghị cấp trên cho phép xây dựng đề án đổi mới hoạt động truyền thanh cơ sở. Trong đó việc phát triển số lượng cụm thu phát thanh sẽ dựa trên đánh giá về dân cư, yếu tố đặc thù địa hình, kinh tế xã hội. Việc lựa chọn mức âm thanh phát phù hợp tại các loa phát thanh khu vực dân cư đô thị sẽ được xem xét, nghiên cứu một cách bài bản, phù hợp. Qua đó tăng sự ủng hộ của nhân dân đối với hệ thống truyền thanh.
Cũng theo Sở Thông tin Đà Nẵng, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, người dân được tiếp xúc với các hình thức thông tin khác như internet, truyền hình, báo chí... Thói quen của người dân đô thị khác với nông thôn. Người đô thị có xu hướng ra đường dạo phố, tập thể dục vào sáng sớm, ban đêm. Hơn nữa Đà Nẵng hiện đã có các khu phố ẩm thực, chuyên doanh, đi bộ, vì vậy việc nghiên cứu để tìm ra chương trình truyền thanh phù hợp với thói quen từng nhóm dân cư là cần thiết để nâng cao khả năng tuyên truyền đến người dân.
Quảng Nam. Ông Lê Văn Thanh (Phó chủ tịch UBND tỉnh) cho hay, Hà Nội và Quảng Nam có sự khác biệt, tỉnh không bắt chước các nơi khác. Đối với lĩnh vực này muốn bỏ hay thêm thì phải có đánh giá tổng kết.
“Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng loa truyền thanh tốt, không xóa bỏ được”, ông Thanh nói.