Đầu tiên, nhà báo Seo Jeong-Ho miêu tả về buổi họp báo ra mắt Lương Xuân Trường tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Có khoảng 30 phóng viên có mặt tại đây tác nghiệp trong một căn phòng khá nhỏ. Mọi người chờ đợi cuộc gặp gỡ giữa Xuân Trường và ngài Đại sứ trước khi cuộc họp báo diễn ra. Ánh đèn flash và tiếng bấm máy liên tục khi 3 nhân vật chính xuất hiện.
Những biến động không ngờ tại Incheon United
Khi gia nhập Incheon United, buổi ký hợp đồng diễn ra tại Việt Nam nhưng lần chuyển sang Gangwon FC được tổ chức tại Hàn Quốc nên dễ hiểu khi sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm của truyền thông bản địa. Tác giả cho rằng Xuân Trường là ngoại binh lạ lùng nhất tại K League bởi thông thường cầu thủ ngoại đóng vai trò then chốt của đội nhưng tiền vệ này lại đến từ Việt Nam, nước có nền bóng đá thấp hơn Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, dù được xem là thế hệ cầu thủ hứa hẹn của bóng đá Việt Nam khi là người đầu tiên chơi bóng tại K League Classic nhưng chừng đó chưa đủ để Xuân Trường được đánh giá ngang hàng với những ngoại binh khác. Cây bút của Naver Sport nhận thấy vẫn còn khoảng cách giữa cầu thủ Đông Nam Á so với các đồng nghiệp đến từ Australia, Trung Quốc, Uzbekistan và Nhật Bản.
Vì sao Incheon United trở thành cái tên "hot" ở K.League? Theo Seo Jeong-Ho, đó là vì họ xác định sẽ quảng bá và kinh doanh dựa vào bản hợp đồng với cầu thủ ngoại binh như Xuân Trường. Lãnh đạo của đội bóng kỳ vọng vào đó để quảng bá thương hiệu như việc tạo ra "Ngày Việt Nam tại Incheon" để thu hút công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, công dân Hàn Quốc tại Việt Nam và mở đường cho công ty Hàn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tính toán của Incheon United trong thương vụ này đã không thành công. Cái giá chiêu mộ cầu thủ Việt Nam chỉ làm nên "Ngày Việt Nam" bởi mâu thuẫn giữa CEO CLB với HLV trưởng đội bóng dẫn đến nửa đầu mùa giải có nhiều biến cố trong nội bộ. Theo nhà báo Seo Jeong-Ho, thương vụ Xuân Trường chính là "giọt nước tràn ly" dẫn đến việc này.
Thật khắc nghiệt cho cựu cầu thủ của HAGL khi đó. Anh chỉ được ra sân vào cuối mùa khi HLV Kim Do-Hoon và Giám đốc Jung Eui Suk ra đi. 4 trận đấu, 2 lần được đá chính với tổng thời gian 251 phút. Trong đó chỉ có 59 phút dưới thời cựu HLV Kim Do-Hoon, còn lại là trong quãng tân HLV Lee- Ki-Hyung. Incheon United "sống sót" trong giai đoạn play-off cuối mùa giải, và trụ hạng thành công.
Xuân Trường không chỉ là nước cờ quảng bá?
Chia tay Incheon United để đến Gangwon FC, Xuân Trương được gọi là "Saleman" (Nhân viên kinh doanh) hơn là một cầu thủ. Tác giả đặt giả thuyết làm sao một cầu thủ Việt Nam có thể cạnh tranh một suất đá chính ở đội bóng được mệnh danh là "Real Gangwon" (Vì CLB này mới lên hạng và vung tiền mua sắm rất nhiều cầu thủ chất lượng như cách Real Madrid hay làm).
CEO của Gangwon FC, Cho Tae-Ryong nói: "Chúng tôi sẽ điều chỉnh khả năng cạnh tranh để cầu thủ Đông Nam Á có thể thích nghi. Chúng tôi sẽ có cách tiếp cận vấn đề khác với Incheon Unnited. Tôi có một đứa con sinh năm 1995 nên tôi hiểu tuổi đó phát triển nhanh như thế nào và Xuân Trường sẽ có tương lai phía trước".
So với những người đánh giá thấp tiền vệ người Tuyên Quang, đồng đội cũ của Trường "híp" tại Incheon United lại không nghĩ vậy. Đội phó Kim Do-hyuk nhận định: "Trường có đam mê, kỹ năng và tầm nhìn không thua gì cầu thủ Hàn Quốc". Tiền vệ Kim Dong-suk thì cho biết: "Nếu bạn chơi tiền vệ trung tâm thì phải cạnh tranh với rất nhiều cầu thủ khác ở khu vực này".
Dẫu vậy, Incheon United đã không đủ kiên nhẫn để đợi Xuân Trường tỏa sáng và họ đã dừng hợp đồng sớm 1 năm so với thời hạn 2 năm với HA.GL. Gangwon FC thì khác, họ nhắm đến việc này từ khi còn ở Giải hạng II K League Challenge và theo đuổi Xuân Trường từ mùa hè. Bên cạnh đó, CLB này còn xây dựng đội hình toàn các cựu tuyển thủ Hàn Quốc ngay khi lên hạng để thu hút người hâm mộ.
Ngược với đội bóng cũ của Xuân Trường, lãnh đạo của Gangwon FC có sự tư vấn và thảo luận về bản hợp đồng này. HLV Choi Yun-Kyum lại là người am hiểu bóng đá Việt Nam với 3 năm công tác tại CLB HAGL. BLĐ có sự nhất trí và đảm bảo cho Xuân Trường có thể chơi ít nhất 10 trận/mùa. Điều này hứa hẹn sức thành công về mặt quảng bá của đội bóng.
Tác giả cũng chỉ ra điểm tương đồng giữa Park Ji Sung ở M.U và Son Heung Min tại Tottenham trong thương vụ của Xuân Trường, mấu chốt chính là việc được thi đấu thường xuyên là bước đầu cho thành công. Trái lại, sự thất bại về mặt hình ảnh của Inamoto Junichi tại Arsenal và Dong Fangzhou ở M.U là ví dụ điển hình cho việc ít được thi đấu.
Cây bút của Naver cũng dẫn lời Đại sứ Phạm Hữu Chí trong buổi ra mắt Xuân Trường rằng: "Việc hợp tác thông qua bóng đá sẽ giúp mối quan hệ của hai nước được kết nối hơn, hiểu nhau hơn thông qua các mối quan hệ". Hiện nay tại Hàn Quốc đang có khoảng 150.000 người Việt Nam sinh sống và học tập, đây là con số không nhỏ phát triển thông qua "cầu nối" là Xuân Trường.
Xuân Trường chia sẻ: "Tôi phải thành công tại K .League nhờ vậy cầu thủ trẻ mới có thể tiến xa trong khu vực, bóng đá Việt Nam mới phát triển. Đó là lý do vì sao tôi phải làm thật tốt tại Gangwon, đó sẽ là thử thách quan trọng với tôi".
Đối mặt với thử thách thứ 2 tại Gangwon, Xuân Trường sẽ như thế nào hay anh sẽ là nước cờ quảng bá, "saleman" như người ta nói?