Ngày 21 và 22.10.2013 tại Bangkok đã diễn ra hội thảo “Châu Á, bẫy thu nhập trung bình và quyền tự do kinh tế” do Mạng lưới Quyền tự do kinh tế (EFN) Á châu, Quỹ Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) của Đức và Chula Global tổ chức.
Trong hội thảo này, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, đã phê phán chính sách của Chính phủ Thái Lan đương thời cam kết mua hết thóc cho nông dân Thái với giá cao hơn giá thị trường 50%. Đây không hoàn toàn là chính sách hỗ trợ nông dân mà là một chính mang màu sắc dân túy, mua phiếu bầu của nông dân.
Theo ông Abhisit, chính sách này đã làm cho các kho của chính phủ chứa đến 17 triệu tấn lúa, gây thiệt hại lên đến 10% ngân sách nhà nước (tương dương 2% GDP) và khoản thiệt hại này những người đóng thuế Thái Lan sẽ phải gánh và theo ông đó là một chính sách sai lầm. Thế nhưng ông cũng tiết lộ, thời ông làm thủ tướng, chính phủ cũng có chính sách tương tự để hỗ trợ nông dân (mua theo hạn ngạch chứ không cam kết mua hết lúa cho nông dân) và ông cho rằng đó là chính sách hỗ trợ hợp lý.
Nghe những ý kiến của cựu Thủ tướng Thái Lan, tôi buộc phải nghĩ đến báo cáo “Ai được hưởng lợi từ giá gạo tăng?” của Oxfam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) được công bố mấy ngày trước đó (17.10.2013). Theo báo cáo này, nông dân Việt Nam là người thua thiệt nhất - chính sách hỗ trợ không đến tay người nông dân mà chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu gạo.
Cái gọi là “lợi nhuận” trong báo cáo đó luôn luôn đi cùng với chú thích “chi phí sản xuất lúa không bao gồm chi phí lao động hộ gia đình”, nói cách khác cái gọi là lợi nhuận ấy không phải là thật, lợi nhuận thật có thể thấp hơn nhiều. Tỷ lệ được hưởng của nông dân trong tổng lợi nhuận sản xuất và kinh doanh lúa đã giảm từ 70% (năm 2006) xuống 23% (năm 2008) và 10% (năm 2010). Bất chấp rất nhiều chính sách nghe có vẻ rất kêu để hỗ trợ nông dân, người nông dân đã thực sự bị bỏ rơi. Và hiện tượng nông dân bỏ ruộng không phải hiếm. Một số người đã lên tiếng yêu cầu chính phủ cụ thể hóa việc hỗ trợ nông dân theo cách của Thái Lan.
Nghe ông cựu Thủ tướng Thái Lan, nhớ đến báo cáo trên của Oxfam khiến người ta phải đặt ra câu hỏi có vẻ kỳ quặc. Tại sao các nước lại hỗ trợ nông dân, nhiều khi thái quá, đến như vậy? Trong khi ở Việt Nam, nông dân luôn luôn được “hỗ trợ, ưu tiên” nhưng thực chất thì lại gần như bị bỏ quên khi “chạm” vào những chính sách thiết thực nhất giúp họ tăng sản xuất, tăng thu nhập.