Dân Việt

Thanh Hóa: Xã biển thiếu nước sinh hoạt

29/08/2011 07:19 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm ở vùng ven biển, nên mỗi khi mùa mưa đến, người dân xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) lại phải dùng các loại vật dụng để hứng nước mưa chứa vào các lu, thùng nhựa, chum vại... trữ cho cả một mùa hè nắng nóng.

Điêu đứng vì thiếu nước

Nhiều năm qua, người dân xã Nga Tân phải đi hơn 3km đến các xã lân cận mua nước ngọt về chứa trong những chiếc lu, thùng nhựa, chum… để sử dụng dần. Bà Dương Thị Thái (60 tuổi) ở thôn 5 (Nga Tân) cho biết: "Từ khi lấy chồng về xã này, tôi đã phải sang tận các xã bên để gánh nước về sinh hoạt. Nhưng giờ họ chở nước về tận thôn bán với giá 180.000 đồng/thùng 800 lít. Gia đình tôi có 6 khẩu, tiết kiệm lắm một tháng cũng phải mua mất 2 thùng nước dùng để nấu cơm, nấu nước, còn việc rửa ráy, tắm giặt có khi phải dùng đến nước ao".

img
Người dân xã Nga Tân đang trữ nước sinh hoạt.

Cùng chung tình cảnh như gia đình bà Thái, anh Lê Văn Tiến, 44 tuổi, ở thôn 3 phân trần: "Nếu năm nào mùa nắng nóng kéo dài, thì bà con ở đây khốn khó đủ bề vì thiếu nước. Khổ nhất vẫn là mấy đứa trẻ nhỏ, việc tắm rửa cũng phải tiết kiệm, có khi vài ngày mới tắm một lần. Gia đình tôi có 4 khẩu, thu nhập chỉ trông chờ vào hơn một sào đất trồng cói, nhưng mỗi tháng phải mất gần 400.000 đồng tiền mua nước phục vụ sinh hoạt".

Thiếu nước sinh hoạt, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, một chậu nước có thể tận dụng rửa đi rửa lại vài lần. Cũng do thiếu nước, nên ở xã này thường xuất hiện nhiều bệnh tật liên quan đến đường tiêu hoá, bệnh hô hấp, đau mắt hột… ở người già và trẻ em. Bà Mai Thị Thêm, 71 tuổi, phàn nàn: "Do nước sinh hoạt bẩn, tôi thường xuyên bị đau mắt nên giờ một bên mắt tôi đã bị loà không nhìn thấy được. Người ta buồn vì thiếu ăn, thiếu mặc, còn dân chúng tôi buồn vì thiếu nước sinh hoạt. Ngày hai lần, tôi phải xách xô đi xin nước. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chắc dân phải bỏ quê mà đi mất".

Chỉ là hỗ trợ tạm thời

Ông Phạm Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: Xã Nga Tân có 1.791 hộ với 7.593 khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 32,3%, thì có hơn 80% hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ở đây, những hộ nào có điều kiện thì mới xây được bể chứa nước mưa đủ nước cho sinh hoạt cả năm. Năm 2007, Tổ chức UNICEF tài trợ cho các hộ nghèo trong xã 500 lu chứa nước bằng xi măng, mỗi lu chứa được 2m3 nước. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng hỗ trợ 100 thùng nhựa 500 lít nước.

Việc được xây dựng một công trình cấp nước sạch, nhân dân trong xã rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ.

Năm 2009, xã có vận động bà con tham gia xây dựng dự án nước sạch, mỗi hộ phải góp từ 1.500.000 đồng trở lên để xây dựng dự án này, nhưng chỉ có 2/3 số hộ trên địa bàn đăng ký tham gia, số còn lại không đăng ký vì không có tiền nộp, nên dự án không khả thi. Ông Quân lý giải thêm: Người dân ở đây sống bằng nghề trồng cói. Những năm mất mùa, có khi còn không đủ ăn. Vậy nên nguồn vốn để xây dựng hệ thống cấp nước đang là bài toán nan giải đối với chính quyền và người dân nơi đây.

Hiện tại, cũng có một số hộ thuê người về khoan giếng lấy nước rửa ráy, tắm giặt, nước rất trong và ngọt nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh, nước giếng khoan khi đun nấu tạo thành những váng lớn, hoặc đem pha trà thì nước lại chuyển sang màu đen. Có nhiều hộ khoan đến 3-4 ngày vẫn không đụng đến mạch nước, hay chỉ đào được những giếng nước lộn bùn.