Ở tuổi này rồi mà cứ năm nào đến mùa Táo quân cũng phải “tấp” lên người hàng mớ quần áo, kịch bản thì dài lê thê, đi đứng nói năng toàn phải giả gái… Đã bao giờ anh cảm thấy bị đuối chưa?
Tất nhiên là đuối chứ. Chưa nói về tinh thần mà nói về sức lực thôi đã khác nhiều lắm. Mười mấy năm tham gia Táo quân, mỗi năm sức khỏe một khác. Mà sức khỏe ảnh hưởng rất lớn đến sức sáng tạo nghệ thuật và “lửa nghề” trong mỗi người.
Ngày trước, khi còn khỏe thì cứ tập đến 3 – 4h sáng mới về, rồi bắt tay vào giải quyết công việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội và cả việc gia đình nhưng lúc nào cũng thấy hừng hực, không thấy mệt mỏi gì. Mấy ông bảo vệ ở Đài Truyền hình Việt Nam cứ bảo: “Bọn này không biết nó lấy sức ở đâu ra mà 4h sáng vẫn thấy chúng nó gào thét trên hội trường”. Đến bây giờ, mỗi lần mệt mỏi và buồn ngủ thì tôi không thể nào sáng tạo hoặc nghĩ ra cái gì hay được.
Hình ảnh Công Lý trong Táo quân 2015.
Thực ra, tôi cũng muốn nghỉ lắm chứ. Muốn cho các em trẻ tiếp cận dần dần để thay thế chúng tôi. Như đợt gần đây đạo diễn cho các em trẻ vào để các em cảm được không khí của Táo quân, quen với cường độ làm việc của các thành viên trong ê-kíp.
Theo anh vì sao đến bây giờ đạo diễn mới cho các nghệ sĩ tham gia Táo quân mà không phải là nhiều năm trước?
Chương trình Táo quân này chúng tôi xây dựng nó từ đầu nên không giống bất kỳ một format nào cả. Cho nên, phải là nghệ sĩ đi với chương trình từ đầu thì mới hiểu được hết. Ở đây tôi không nói đến nghệ sĩ giỏi hay nghệ sĩ kém. Có rất nhiều nghệ sĩ giỏi, nổi tiếng… nhưng cho họ vào Táo quân họ lại không dám vào vì họ biết vào sẽ bị “bật” ra ngay.
Từ đó tôi mới hiểu được rằng, muốn hòa nhập được với Táo quân, không kể vai ngắn hay vai dài, chính hay phụ…trước hết anh phải sống cùng với nó anh mới hiểu được vì sao cũng là cách diễn hài đó, động tác đó, câu thoại đó nhưng người ta làm được mà mình không làm được.
Nôm na là cho các bạn trẻ vào với ý muốn thay thế lứa đã làm Táo quân mười mấy năm qua nhưng mà phải cho các bạn ấy tiếp cận từ bây giờ. Chứ đùng một phát mà cho các bạn ấy vào là các bạn ấy không bắt được cái nhịp của chương trình đặc biệt như Táo quân.
Đã bao giờ anh có ý định nhận “đệ tử” để truyền nghề như một số nghệ sĩ khác vẫn làm?
Tôi chẳng bao giờ có ý định nhận “đệ tử” hay học trò gì cả. Vấn đề là các bạn trẻ thích thì cứ theo, cần tôi giúp đỡ hoặc đóng góp ý kiến thì tôi sẵn lòng. Tôi chẳng bao giờ phân biệt quen thì giúp nhiều, không quen thì giúp ít.
Nghệ sĩ Công Lý cho rằng, anh đã nhiều lần xin đổi vai Bắc Đẩu nhưng không được đạo diễn đồng ý.
Với tư cách là nghệ sĩ nằm trong ê-kíp thực hiện Táo quân, anh có thể bật mí một chút về Táo quân năm nay?
Kịch bản của Táo quân rất cụ thể và chi tiết vì chúng tôi được luyện tập và duyệt kịch bản rất nhiều lần. Kịch bản của Táo quân gồm nhiều nhóm biên kịch viết ghi lại đời sống xã hội của một năm qua và đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người xâu chuỗi các kịch bản ấy thành một chuỗi tình huống liên kết với nhau.
Trên cơ sở đấy, chúng tôi tập luyện sao cho thuần thục, đúng với kịch bản đã được duyệt để có sự tung hứng ăn ý nhất. Hơn nữa, diễn viên cũng phải xem những câu thoại nào phù hợp với kịch bản Táo quân để “ăn khớp” với những tình huống cụ thể. Bản thân tôi hay để ý xem trong năm nay có những câu nói nào hay, nếu thích hợp thì sẽ cho vào. Ví dụ năm nay có câu “mình thích thì mình làm thôi” được nhiều người sử dụng, có thể chúng tôi sẽ dùng trong khi diễn để lời thoại cũng trở nên hấp dẫn hơn. Có những câu nói không “đao to búa lớn” nhưng lại tạo được hiệu ứng dây chuyền khiến nhiều người cười nghiêng ngả... Sau nhiều năm đóng vai Bắc Đẩu, tôi thấy mình may mắn khi ghi được dấu ấn trong lòng khán giả như vậy.
Vậy năm nay vai Bắc Đẩu có “nặng đô” như năm ngoái không?
Nặng hơn, nặng hơn về hình thức, còn nội dung tôi chưa nói được. Về hình thức, năm nay NTK Đức Hùng bàn bạc cùng tổng đạo diễn để thiết kế cho Bắc Đẩu một “style” ăn mặc mà như anh Đức Hùng nói là “xuất hiện phát, khán giả “choáng” luôn”. NTK Đức Hùng cũng đang tính là có thể làm tới 3 bộ nhưng cái quan trọng là phong cách khác hẳn mọi năm.
Anh tâm sự là mệt mỏi với vai Bắc Đẩu vậy lí do gì anh không xin đổi vai?
Không phải năm nay đâu mà hơn 10 năm tham gia Táo quân, nhiều năm liền tôi xin đổi vai Bắc Đẩu mà chưa được. Tôi bảo với đạo diễn rằng: “Tôi vẫn tham gia Táo Quân nhưng xin đóng Táo thôi, xong việc của mình cái là đi ra chứ cứ đứng 3 tiếng đồng hồ từ đầu đến cuối trên sân khấu, lại cứ nheo nhéo thế thì mệt lắm!”.
Hình ảnh hậu trường Công Lý tập luyện Táo quân 2017 cùng các nghệ sĩ trẻ.
Nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải bảo: “Lý cứ đóng Bắc Đẩu đi, Táo không cần cái õng ẹo của Lý mà cần cái tinh thần của Lý”. Thực ra, vai Bắc đẩu là do mình tạo hình thôi chứ không ai quy định Bắc Đẩu phải như thế nọ, như thế kia cả. Vì mình đã nhìn thấy “bà” Bắc Đẩu thế nào đâu mà tạo hình theo. Ở trong Táo quân, vai nào cũng là vai mà nghệ sĩ sáng tạo nên là chủ yếu. Nhưng rõ ràng, được hóa thân thành một nhận vật mà không phải hóa trang nặng tôi sẽ không bị phân tâm và bị gồng mà dành nhiều sức sáng tạo để nghĩ ra được những chi tiết đắt giá cho vai diễn.
Năm nay anh tham gia tới 3 phim hài Tết. Nhiều người nói, cát-sê của anh cao lắm, thường nằm top đầu?
Đúng là kể từ khi bắt đầu đóng phim hài Tết đến nay, năm nay là năm tôi đóng nhiều nhất. Đáng ra là tôi tham gia 4 phim nhưng tôi phải từ chối mất một phim vì thời điểm quay thì tôi lại đang đi lưu diễn ở nước ngoài.
Còn chuyện cát-sê, tôi không biết gì đâu. Tôi nói thật. Kể cả anh em đi làm cùng nhau một chương trình thì cũng chẳng bao giờ tôi hỏi chuyện cát-sê.
Nghĩa là nhà sản xuất hoặc nhà tổ chức chương trình đưa bao nhiêu thì anh cầm bấy nhiêu?
Không, tại sao lại như thế được. Nó có một mức mà mình cảm thấy hợp lý. Cái đó tùy thuộc vào vai diễn, vào mức độ cống hiến cho bộ phim. Ví dụ, với kịch bản như thế này, vai này nhàn, vai kia nặng… thôi thì bớt cho người ta một tí. Đương nhiên là không chênh nhau quá. Chứ còn người ta đưa bao nhiêu mình cầm bấy nhiêu thì chết vì với nhà sản xuất thì chẳng ai muốn đưa nhiều cả
Nghệ sĩ Công Lý bật mí năm nay vai Bắc Đẩu sẽ có "style" lạ hơn so với những năm trước đây.
Anh với nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng… là chỗ đồng nghiệp thân tình lại đều là những nghệ sĩ hài có tiếng của miền Bắc. Nhìn vào những gì mà các đồng nghiệp của mình đang có, có bao giờ anh thấy chạnh lòng không?
Không, tôi chẳng bao giờ chạnh lòng với những cái như thế. Có những cái tôi sướng hơn bạn bè tôi nhiều nhưng những cái đó chỉ tôi biết thôi.
Ừ, nhìn rõ ràng là các ông ấy toàn làm sếp, nhà đẹp, xe xịn, dáng vẻ đạo mạo - oai phong… nhưng chẳng bao giờ tôi quan tâm mấy thứ đó. Đến tập, ông nào cũng toàn đi xe đẹp, xe toàn tiền tỷ, còn mình đi xe cà tàng nhưng tôi thấy bình thường. Chẳng phải tôi tự “A.Q” đâu nhưng mà tính tôi vốn thế. Tính tôi là thích thì làm, không thích thì thôi. Tiền quan trọng đấy nhưng sự thoải mái trong cuộc sống vẫn là điều tôi hướng tới.