Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi, dự luật gồm 5 chương, 38 điều. Về công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước, hiện đang được thực hiện theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28.12.2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.4.2001.
Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các quy định của Pháp lệnh đến nay, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Dương Chí Dũng khai được “mật báo” để bỏ trốn trước khi có lệnh khởi tố.
Ban soạn thảo dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước đã chỉ ra 8 hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh. Ví dụ như khái niệm bí mật nhà nước quy định trong Pháp lệnh năm 2000 còn chung chung; quy định theo phương pháp định tính dẫn đến việc xác định phạm vi bí mật nhà nước cụ thể theo từng độ mật quá rộng, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật nhà nước.
Pháp lệnh năm 2000 chưa có quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; sở hữu trí tuệ... Trong khi đó, các vụ lộ thông tin có nội dung bí mật nhà nước trên Internet, báo chí, xuất bản, hội thảo quốc tế... có xu hướng gia tăng, gây phương hại an ninh quốc gia và thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Vấn đề đáng chú ý là tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước thời gian qua diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên, là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa được đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe...
Liên quan đến tình hình làm lộ bí mật nhà nước, vào tháng 1.2014, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu đại tá Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) và đồng phạm về hành vi đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Sau khi nghe lời khai của Dương Chí Dũng (tư cách là nhân chứng) và xét các tài liệu liên quan, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội đã nhận định: Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm ở Vinalines được cơ quan có thẩm quyền đang xem xét, điều tra, khởi tố, thuộc dạng thông tin tuyệt mật của nhà nước nhưng có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam. Dương Chí Dũng khai được “ông anh” là lãnh đạo ở Bộ Công an báo tin và khuyên lánh đi một thời gian.
Thực tế Dương Chí Dũng trốn trước khi có quyết định khởi tố một ngày, gây khó khăn cho công tác điều tra, gây hoài nghi rất lớn trong dư luận nhân dân. Hội đồng xét xử đã quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Khoảng một thời ngắn sau, “ông anh” Dương Chí Dũng khai là người báo tin đã qua đời vì bệnh. Vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước kể trên không thấy các cơ quan tố tụng thông tin gì thêm.