Hỗ trợ thiết thực
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, địa phương này đã quyết định từ nay đến cuối năm sẽ hỗ trợ nhiên liệu cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ có ngư trường thường xuyên ở Hoàng Sa, Trường Sa và Cụm dịch vụ Kinh tế - kỹ thuật – khoa học DK1. Tỉnh dự định hỗ trợ cho mỗi tàu thuyền, tùy theo công suất, từ 18 – 60 triệu đồng/chuyến biển. Mỗi tàu sẽ được hỗ trợ 4 chuyến/năm.
Ngư dân Phú Quốc (Kiên Giang) đánh bắt cá cơm. |
Theo ông Nguyễn Hữu Hào- Phó Giám đốc Sở NNPTNT, việc hỗ trợ xăng dầu cho các tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Định hiện rất cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao.
“Việc hỗ trợ này sẽ giảm sức ép về giá nhiên liệu, khuyến khích ngư dân ra khơi, đặc biệt sẽ tạo động lực cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển quốc gia. Đây là ý nghĩa to lớn và thiết thực”- ông Hào nói.
Theo ông Hào, hiện nay các chủ tàu đang tiến hành đăng ký. Đến thời điểm này, đã có 80 tàu được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ nhiên liệu.
Tại tỉnh Quảng Trị, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản với nguồn tài trợ của Tây Ban Nha đã cấp miễn phí 290 điện thoại di động cho ngư dân đánh bắt gần bờ thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục cấp miễn phí 1.000 áo phao có tổng trị giá 100 triệu đồng cho các ngư dân đánh bắt gần bờ.
Trước đó, cơ quan này đã cấp 140 máy thu trực kênh về dự báo thời tiết cho 140 thuyền đánh bắt xa bờ và 332 áo phao cứu sinh tròn và phao áo cho 83 tàu.
Chiều 28.8, ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết: Việc cấp miễn phí điện thoại cho ngư dân nhằm giúp họ chủ động hơn trong việc bám biển, cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là giúp ngư dân sẵn sàng trong việc vừa khai thác nguồn lợi vừa bảo vệ vùng biển đảo quốc gia.
Ngoài sự hỗ trợ của các địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng ủng hộ ngư dân bằng nhiều hình thực khác nhau. Đáng chú ý, đó là chương trình tín dụng cho ngư dân của Ngân hàng Đông Á. Từ giữa tháng 6.2011, ngân hàng này đã thành lập “Quỹ Tín dụng dành cho ngư dân” với tổng số vốn là 20 tỷ đồng. Những ngư dân đánh bắt xa bờ cần tiền để trang bị phương tiện và dụng cụ đánh bắt, sẽ được cho vay với lãi suất ưu đãi là 14%, thấp hơn so với trần lãi suất mà ngân hàng huy động.
Chắp cánh cho ngư dân vươn khơi
Ông Nguyễn Văn Nhựt Quý - Giám đốc Ngân hàng Đông Á chia sẻ: Chúng tôi rất xót xa trước những khó khăn, rủi ro mà bà con ngư dân phải gánh chịu khi ra khơi đánh bắt, nhất là ở những ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều ngư dân vì những rủi ro này mà sạt nghiệp, phải bỏ nghề dù rất muốn ra khơi. Ngân hàng chúng tôi thành lập quỹ này mong đóng góp một phần sức mình vào việc hỗ trợ ngư dân đứng dậy sau rủi ro, tiếp tục bám biển sản xuất, làm lại cơ nghiệp và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi biết rằng, cho vay lĩnh vực này là rất nhiều rủi ro, nhưng vẫn chấp nhận.
Được biết đã có ngư dân nhiều tỉnh được tiếp cận nguồn quỹ của Ngân hàng Đông Á. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi đã có trên 30 ngư dân được vay vốn với số tiền trên 10 tỷ đồng. Có một trường hợp mà việc vay được vốn của ông khiến cho dư luận quan tâm và mừng cho ông là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (Lý Sơn) – người 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ khi ra đánh bắt tại Hoàng Sa, khiến trắng tay, mất tàu, lâm nợ.
Ông Mai Phụng Lưu đã được Ngân hàng Đông Á cho vay 300 triệu đồng. Từ nguồn vay này, cùng với số tiền nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ và cả vay mượn thêm của người thân, ông Lưu đã mua được một chiếc tàu mới cùng ngư lưới cụ hành nghề. Vào ngày 8.8, ông đã cùng 10 ngư dân dạn dày kinh nghiệm ra đánh bắt ở Hoàng Sa sau gần 1 năm thất nghiệp.
ới đây, ông Lưu đã hoàn thành chuyến biển với hơn 100 triệu đồng lãi. "Những tấm lòng hảo tâm đó đã tiếp thêm cho tôi động lực để bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc” – ông Lưu tâm sự.
“Ngoài quỹ ngư dân, hiện tại ngân hàng đang vận động cán bộ nhân viên toàn công ty ủng hộ 500 triệu đồng để tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân” – Giám đốc Nguyễn Văn Nhựt Quý cho biết.
Công Xuân - Hữu Thông - Trần Quang