Mở thêm ngành nghề tiếp nhận TTS nước ngoài
Theo Dolab, vừa qua Hạ viện Nhật Bản xem xét thông qua Dự luật tiếp nhận TTS nước ngoài sửa đổi, theo đó cho phép tiếp nhận TTS hộ lý nước ngoài, tăng thời gian thực tập tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm. Nếu Dự luật được Thượng viện thông qua trong năm nay, việc triển khai chương trình tiếp nhận TTS trong lĩnh vực chăm sóc người già tại các nhà dưỡng lão sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 4.2017. Ngoài ra, một số ngành nghề và lĩnh vực khác đang được xem xét tiếp nhận TTS nước ngoài như làm việc trong các cửa hàng bán lẻ, làm công việc phức hợp (nông nghiệp kết hợp sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm) tại các địa phương có thời tiết lạnh về mùa đông không thể làm việc ngoài trời.
Lao động việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực điện tử tại Nhật. Ảnh: Hồ Văn
Số lượng TTS Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản không ngừng tăng mạnh trong các năm gần đây, cụ thể: năm 2013: 10.216 TTS, năm 2014: gần 20.000 TTS, năm 2015: gần 30.000 TTS, 7 tháng đầu năm 2016 trên 27.000 TTS. |
Trước đó, đầu năm 2016, Nhật Bản đã thông báo cho phép tiếp nhận TTS nước ngoài vào Nhật Bản thực tập kỹ năng với 2 ngành nghề: Vệ sinh nhà cao tầng, sửa chữa và bảo dưỡng ô tô. Theo số liệu của Hội Bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, Nhật Bản có 90.000 cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, khoảng 40% cơ sở đang có nhu cầu về nhân lực và 10% đang rất khó khăn vì thiếu nhân lực. Với lĩnh vực vệ sinh nhà cao tầng, trước mắt chỉ là công việc lau chùi dọn dẹp vệ sinh các văn phòng, trường học, cửa hàng, bệnh viện...
Các doanh nghiệp đang tuyển quân đi Nhật tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hồ Văn
Theo ông Phạm Viết Hương - Cục phó Dolab, các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản đang xúc tiến đề nghị các cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép thí điểm đưa lao động giúp việc nhà tại các đặc khu chiến lược, trước mắt là tỉnh Kanagawa và Osaka. Hiện một số công ty của Nhật Bản đang xây dựng chương trình hợp tác với các công ty Philippines để triển khai dự án này. “Một số tổ chức tiếp nhận Nhật Bản đang xúc tiến đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và tỉnh Kanagawa cho phép thí điểm đưa lao động giúp việc nhà của Việt Nam sang tỉnh Kanagawa” - ông Hương cho biết.
Cũng theo ông Hương, vấn đề dân số giảm và già hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực đang ảnh hưởng xấu đến chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính quyền Thủ tướng Abe. Một số nghị sĩ và chuyên gia Nhật đề xuất việc cần thiết phải có chính sách mở rộng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc theo hình thức TTS kỹ năng ở các loại ngành nghề, trong đó có hộ lý và lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao (kỹ sư).
Nâng cao chất lượng TTS
Lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hồ Văn
Theo Dolab, việc tiếp nhận TTS Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản được thực hiện theo Bản ghi nhớ về hợp tác phái cử và tiếp nhận TTS sang Nhật Bản từ năm 1992. Đến nay Việt Nam đã phái cử trên 100.000 TTS sang thực tập tại Nhật Bản. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2016 số lượng TTS Việt Nam được tiếp nhận vào Nhật Bản đã vượt lên vị trí đứng đầu, chiếm gần 38% tổng số TTS nước ngoài tiếp nhận vào Nhật Bản, so với gần 36% TTS từ Trung Quốc. |
Theo ông Hương, để đón đầu cơ hội này, các doanh nghiệp phái cử lao động phải phối hợp các đối tác Nhật Bản chuẩn bị tốt việc tuyển chọn, đào tạo lao động nhằm nâng cao chất lượng TTS trước khi sang làm việc tại Nhật Bản; thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng. “Người Nhật rất ưu ái lao động Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần phải làm tốt khâu tuyển chọn và đào tạo để cạnh tranh với 14 nước khác cũng đang phái cử lao động vào Nhật làm việc” - ông Hương nói.
Ông Lê Long Sơn - Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động (Esuhai) nhận định, việc Nhật tăng gấp đôi TTS là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng số lượng phái cử TTS sang Nhật làm việc. “Chúng tôi đã và đang xây dựng thêm cơ sở mới nhằm đào tạo tốt hơn và số lượng nhiều hơn để đáp ứng các đơn hàng tuyển dụng của đối tác. Năm 2016, Esuhai đã phái cử TTS sang Nhật gần 1.000 lao động. Năm 2017 Esuhai dự kiến có khoảng 1.500 lao động vào Nhật làm việc” - ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, hiện Esuhai đang tăng cường mở các văn phòng tuyển dụng ở các tỉnh miền Tây và miền Trung. Công ty đang hợp tác với một số trường đại học tại Đà Nẵng để đào tạo và phái cử lao động là chuyên gia, kỹ sư sang làm việc ở Nhật trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử và một số lĩnh vực khác.
Còn Công ty Nhật Huy Khang - một trong những công ty đứng đầu về phái cử lao động qua Nhật cũng đang xúc tiến nhiều chương trình để đón đầu cơ hội tăng lao động của Nhật. Ông Trần Quốc Ninh - Giám đốc Công ty Nhật Huy Khang cho biết, công ty hợp tác với Đại học Bách khoa TP.HCM tạo nguồn lao động bậc cao (kỹ sư) về điện tử, cơ khí để tuyển chọn phái cử sang Nhật làm việc. “Chúng tôi hợp tác với một số trường đại học ở Huế nhằm đào tạo và tạo nguồn lao động là chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp. Nhiều năm qua chúng tôi cũng đã thí điểm phái cử hàng trăm kỹ sư nông nghiệp sang Nhật làm việc và rất thành công khi đối tác Nhật đánh giá cao trình độ của lao động Việt Nam. Vừa qua chúng tôi đã ký hợp tác với Ngân hàng Kiên Long về việc bảo đảm vay tín chấp cho lao động đi Nhật. Lao động nghèo khi phỏng vấn thành công sẽ được vay tiền theo hình thức tín chấp để trang trải các chi phí dịch vụ trước khi sang Nhật làm việc” - ông Ninh cho biết.