Thời điểm Khánh, xin được gọi như thế bởi tôi và anh bằng tuổi nhau, được bầu làm Chủ tịch tỉnh mới chỉ 40 tuổi. Không chỉ có tôi, người Hà Tĩnh toàn gọi Khánh bằng anh rất đỗi dân dã; không ông, không thủ trưởng gì hết…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh (Ảnh: Hoàng Long VNN).
“Tin lớp trẻ thì em làm”
Thực sự thì quá trình thăng tiến của Đặng Quốc Khánh khá nhanh. Nếu như năm 1999 Khánh mới là chuyên viên của Sở Xây dựng thì đến năm 2008, anh đã là Giám đốc Sở này. Nhiều người nói, chắc do con ông cháu cha nên mới thăng tiến như thế (bố Khánh nguyên là Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh). Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi làm lãnh đạo của một sở chuyên môn như xây dựng thì chính năng lực, chuyên môn mới là điều trọng yếu nhất. Nên nhớ, Khánh là người đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Đô thị và Công trình, với 7/7 phiếu đánh giá xuất sắc.
Nói về chuyện học, Khánh là chàng trai khá lạ, khi có thể đánh đổi nhiều thứ để được đến trường. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khánh về công tác tại Sở Xây dựng Hà Tĩnh. Từ chuyên viên, nhờ năng lực công tác, Khánh được bổ nhiệm lên Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc.
“Khi làm phó phòng, tôi thấy mình cần học hỏi và bổ sung thêm nhiều vấn đề hơn nữa, nhất là kỹ năng về lý luận. Vậy là tôi xin cơ quan ra Hà Nội học một khóa về chính trị. Lãnh đạo Sở hỏi, Trưởng phòng của cậu sắp nghỉ, nếu đi học sẽ mất cơ hội lên trưởng đấy. Chú suy nghĩ kỹ đi”.
Khánh kể: “Mình nói ngay, em còn trẻ và còn nhiều cơ hội, không thể vì chức Trưởng phòng mà bỏ lỡ việc học. Các anh cứ sắp xếp cho em đi”. Thế là Khánh bỏ chức Trưởng phòng để đi học thật.
Sau đó nữa, chính xác là năm 2008, khi Sở Xây dựng khuyết chức giám đốc sở, Khánh và một người nữa được đưa ra bỏ phiếu chọn một. Lãnh đạo tỉnh thời điểm đó sợ chàng trai trẻ sẽ chịu nhiều áp lực vì ứng cử viên kia cũng rất nặng ký, nên hỏi ý Khánh. Khánh nói ngay: “Các anh tin thì cứ để bỏ phiếu. Nếu đồng nghiệp, anh em tin tưởng thì em làm”. Thế là bỏ phiếu và Khánh trúng cử với tỷ lệ cao…
Không chỉ ghi dấu ấn thời ở Sở Xây dựng, kể cả khi được luân chuyển về địa phương làm Bí thư huyện ủy Nghi Xuân (2010-2013), Khánh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 3 năm ở đây, dấu ấn của Khánh là đã đưa ra được Nghị quyết tái cơ cấu nông nghiệp, chỉ rõ các vùng lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế nông nghiệp và đến nay Nghị quyết đó vẫn đang được Đảng bộ huyện này thực hiện quyết liệt. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo Khánh, huyện cũng đã có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị gắn với du lịch của huyện. Nghi Xuân từ một huyện nghèo đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có 4 xã về đích.
Dấu ấn đầu nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ đầu của Khánh trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh quả thực đầy những “giông bão”, khó khăn. Nào là hậu xử lý vấn đề Formosa xả thải; nào là lũ lụt liên miên ở Hương Khê; rồi câu chuyện khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn khiến cho thu ngân sách của tỉnh gặp khó… Nhiều người nói, với các lãnh đạo cứng cựa, có kinh nghiệm còn phải đau đầu nữa là người trẻ như Khánh. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, với sự nhiệt huyết, máu lửa, cộng với năng lực vốn có, Khánh đều giải quyết công việc băng băng.
Nhớ hôm tôi đến Hà Tĩnh gặp Khánh, anh đang họp lên họp xuống để thống kê sao cho chính xác các hộ dân bị thiệt hại do Formosa xả thải gây ra. Và sau một thời gian ngắn, Hà Tĩnh đã xác định được chính xác 33.149 lao động chịu ảnh hưởng. Khánh chia sẻ, có con số đó không phải đơn giản đâu, phải họp lên họp xuống, phải đi hết vùng này vùng kia để thống kê thật rõ ràng, minh bạch đấy.
Chưa xong chuyện này, thấy doanh nghiệp trên địa bàn kêu nhiều về việc bị làm phiền, sách nhiễu, vị lãnh đạo trẻ tuyên bố công khai số điện thoại cá nhân để doanh nghiệp gọi đến sẽ giải quyết. Khánh nói: Số điện thoại của tôi là 0913.556.943, doanh nghiệp có thể gọi đến nói thẳng, nói thật bất cứ lúc nào. Chủ tịch các huyện, sở, ban ngành không giải quyết hoặc không tạo điều kiện gây phiền hà thì các doanh nghiệp cứ nhắn tin vào số máy điện thoại của. Tôi sẽ xử lý triệt để".
Là lãnh đạo, Khánh thường xuyên phải đi họp và nhiều lần đi qua cầu Bến Thủy (nối Hà Tĩnh và Nghệ An). Có lần đi, nghe dân kêu trạm thu phí gây khổ quá, Khánh hứa sẽ tìm cách tháo gỡ ngay. Hóa ra, câu chuyện là nhà đầu tư đặt hai trạm thu phí ở hai đầu cầu Bến Thủy không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước mà còn tạo bất công cho nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên cầu khi họ phải trả phí cho những công trình mình không sử dụng, nhất là đối với đại đa số người dân Nghi Xuân và TP.Vinh thường xuyên đi lại qua cầu Bến Thủy I. Vậy là ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã có công văn gửi liên Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải tính toán để di dời điểm thu phí tại cầu Bến Thủy, đồng thời xem xét giảm phí qua cầu cho người dân…
Phía sau người trẻ
Còn nhớ, trong thời gian Khánh có các bước đường thăng tiến, tôi đã gợi ý để phóng viên phỏng vấn anh. Lần 1, Khánh được bầu làm Đại biểu Quốc hội, lần 2 là Chủ tịch UBND tỉnh, lần 3 là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng. Nhưng rồi cả 3 lần Khánh đều từ chối. Tôi cứ nghĩ Khánh khó tính, khó gần, nhưng không phải vậy. Có lần tôi gọi cho bố anh, ông Đặng Duy Báu thì ông bảo: “Ôi, nhà báo chưa hiểu nó rồi. Nó không thích nói về mình đâu. Tính nó nói ít làm nhiều. Nó đi làm suốt, làm gì có thời gian”.
Sau đó tôi gặp Khánh hỏi lại thì Khánh cười không nói. Nhưng có ý anh công nhận bố nói anh đi nhiều là đúng.
“Mấy doanh nghiệp, đối tác và cộng sự thỉnh thoảng đến nhà bảo với bố tôi, sao gặp anh Khánh khó thế. Không khi nào có nhà cả. Bố tôi nói ngay, các anh đừng phiên trách nó. Đến tôi là bố nó, nhà ở sát vách nhiều khi cả tuần còn không gặp nhau” - Khánh cười nói.
Quả đúng như thế, hôm đi công tác Hà Tĩnh tôi nhắn tin xin gặp để trao đổi công việc, Khánh nhắn lại bảo: Tôi đâu ở cơ quan, đang ở Phương Điền - rốn lũ của Hương Khê đây. Khi đoàn chúng tôi lên Phương Mỹ cũng là lúc Khánh đang ngồi thuyền máy vượt lũ đến trao từng thùng mỳ tôm cho người dân…
Gặp Khánh tôi hỏi, bố anh nguyên là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND thì có ảnh hưởng nhiều đến phong cách lãnh đạo, làm việc của anh không? Khánh nói chắc nịch: "Tôi được cái may là ông cụ rất tôn trọng tôi trong mỗi quyết định. Mỗi khi có công việc cần giải quyết, cả 2 bố con đều thoải mái tranh luận. Và, những lần như thế ông đều tôn trọng quyết định của tôi, không bao giờ can thiệp vào công việc của tôi cả”.
Tôi lại hỏi, làm lãnh đạo khi còn rất trẻ như thế, có nhiều áp lực không? Khánh nói: “Cứ làm mọi việc hết sức có thể đã, còn áp lực tính sau”.
Cứ làm đi đã, cái câu ấy cứ ảm ảnh tôi mãi, bởi lần nào gặp anh, y rằng Khánh lại say sưa nói về công việc, về những dự định sắp tới. Nào là dự án đưa cá lên hồ Kẻ Gỗ; nào là phát triển du lịch trên sông La; mở cửa mời nhà đầu tư về Hà Tĩnh… Toàn những việc to tát, lớn lao cả, nghe choáng hết cả đầu.
Nhưng, đằng sau một vị lãnh đạo trẻ tuổi, xông xáo, nói ít làm nhiều, ít ai biết Khánh còn là người có tâm hồn rất nghệ sĩ. Nhớ tối hôm mấy anh em nhâm nhi ly rượu ở Hà Tĩnh, Khánh vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa hết lảy Kiều, lại à ơi hát ca trù Cổ Đạm. Dưới ánh đèn vàng đêm đó, cái chất giọng đầm ấm, rặt xứ Nghệ của Khánh nghe thoang thoảng mãi: Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thà nát với cỏ cây/Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây/Phải hăm hở ra tài kinh tế…
Và nhìn Khánh phiêu những lúc đó, dù biết anh đã từ lâu, nhưng tôi thấy “vị quan đầu tỉnh này” đúng thật gần gũi...