Lão nông thành“ngôi sao truyền hình”
Với người dân xã Quế Trung, ông Thái Ngọc thức quanh năm ngày tháng là chuyện thường tình, nhưng một ngày bỗng chốc hàng loạt hãng truyền hình vào cuộc, ngày lại ngày xe cộ chở phóng viên nối đuôi nhau vượt rừng lên Nông Sơn, vào tận nhà quay phim chụp ảnh, phỏng vấn... thì dân làng mới hay, ông Ngọc là hiện tượng độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Giờ đây, 76 tuổi, thân thể dẻo dai của ông Hai Ngọc cũng bắt đầu vướng vào quy luật đời người. Và giờ đây ông đang thèm chợp mắt một lúc thật sâu: “Uống mấy viên thuốc ngủ mà vẫn không ăn thua, tui lại uống rượu, nhưng uống miết, lúc nào say mới nằm được một tí. Nằm thế thôi nhưng đầu óc vẫn biết, không ngủ được”.
Bà Bảy ân cần sửa nút áo cho chồng. ảnh: N.C
Hơn 10 năm trước, một đoàn làm phim ở tận Anh quốc đưa ông Ngọc xuống Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng xét nghiệm, mọi thông số bình thường. Y học bó tay. Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, kết quả xét nghiệm, điện não đồ không đưa ra được bất kỳ triệu chứng, chẩn đoán nào cho thấy ông Ngọc bất bình thường.
“Thông thường, hệ thần kinh con người làm việc theo chu kỳ thức – ngủ, chu kỳ ngủ sẽ giúp tái tạo phục hồi sức lực, nơ ron thần kinh…, riêng ông Ngọc tự nhiên mất hẳn chu kỳ ngủ, chỉ có chu kỳ thức nhưng lạ kỳ là có cơ chế tự bảo vệ, tái tạo sức, tế bào thần kinh. Đây có thể nói là trường hợp có một không hai, bởi nếu bình thường, mất ngủ sẽ dẫn đến suy kiệt thần kinh, trầm cảm, ăn không ngon… còn ông này vẫn bình thường. Quá bí ẩn!” – bác sĩ Ngọc cho biết.
Nỗi niềm và hạnh phúc
Sợ nhất là… chồng ngủ |
Bà Bảy đã hái đầy một rổ bưởi mang ra đãi khách. Căn nhà nhỏ trong khu vườn rộng rộn rã tiếng cười. Ông Ngọc làm suốt đêm, vừa dùng bữa sáng với cơm nguội, thuốc lá và một ly rượu đầy. Đồng nghiệp của tôi bên VTV ngỏ ý muốn quay cảnh đời thường. Bà Bảy vội vàng vào trong, lấy chiếc áo mới thay cho ông, âu yếm sửa từng nút, kéo phẳng từng chỗ bị nếp nhăn… Tình già, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng vô cùng!
Vợ đầu ông Hai Ngọc mất khi mới sinh cho ông con đầu lòng, 6 năm sau ông đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Bảy và có với nhau 5 người con - 2 trai 3 gái. Bà Bảy sinh 1946, cũng có chồng đầu hy sinh. Cả hai tìm được niềm đồng cảm mất mát, người cùng xã nhưng khác làng, dần dần yêu thương nhau. “Hồi ổng thích tui, tui có biết ổng bị mất ngủ đâu, cứ đêm đếm đến ngồi lỳ nhà tui, tận khuya mới về. Riết rồi thích”. Cưới nhau rồi, bà Bảy mới phát hiện ra ông bị mất ngủ, không những một đêm mà cả ngàn đêm.
Ông Ngọc kể, đó là đêm của năm ông 32 tuổi, tự dưng sau một đêm không ngủ, ông cảm thấy không còn thèm ngủ. “Đêm kế tiếp, cố gắng nhắm mắt mà không được, tui bèn dậy pha chè uống. Đêm kế tiếp cũng thế, rồi đêm nữa…”. Ông Hai Ngọc hoảng sợ, cứ tưởng mất ngủ mấy đêm, ai dè tính đến nay đã mấy chục ngàn đêm.
“Biết ổng mất ngủ, lúc đầu tui cũng hơi sợ, ai đời ban ngày làm việc mệt nhoài, đêm về tui buồn ngủ muốn chết mà ổng thì cứ chong đèn. Hai vợ chồng hỏi thăm thầy thuốc khắp nơi, đông tây y đủ cả, ai bày thuốc gì chữa nấy, nhưng không ăn thua. Lâu dần, thấy ổng không ngủ nhưng vẫn khỏe nên thôi kệ. Cũng không ngủ mà thành ra đông con thế này” – bà Bảy cười giòn tan. Đến bây giờ, cái sự mất ngủ của ông vẫn còn gây phiền toái cho bà nhiều lắm.
Bà cười, nhìn ông trìu mến: “Đời tui coi như có phước, được hưởng hạnh phúc cao gấp 2 lần so với phụ nữ bình thường. Bởi chồng người ta một ngày dành ra mấy tiếng để ngủ, còn chồng tui thức suốt, bên vợ suốt ngày”.