Chưa xa“thời vang bóng”
Xốp Dùi – nguyên mẫu của làng Xô Man hùng tráng trong “Rừng xà nu” ấy giờ đã tụ về bám theo con đường liên xã cùng các làng Xốp Nghét, Kon Liêng, Đăk Xay… Lọt thỏm trong thung lũng giữa hai dãy núi chất ngất, mới 4 giờ chiều, không gian đã xám màu đông từng mảng. Nền trời loang lổ ánh tà dương, chấp chới từng khoảng nắng mỏng manh như giát vàng… Thiên nhiên thật nên thơ nhưng cảnh quan làng lại gần như đối lập.
Chẳng còn thấy đâu một bóng nhà sàn. Tất cả đều đã được “trệt hóa” với những căn nhà ống lô xô. Đã xa mờ trong ký ức của người dân Xốp Dùi những căn nhà bệt khói xà nu; những đứa trẻ cũng lấm lem khói xà nu thô tháp… Thế nhưng huyền thoại A Mét với những trận đánh Tây “xuất quỷ nhập thần” thì không ít người vẫn nhớ.
Đường vào quê hương cụ Mết. ảnh: NGỌC TẤN
Làng Xốp Dùi xưa ở núi Kông Lố, bên kia đồi Xi Mông, cách trụ sở xã bây giờ chừng 2km. Sống biệt lập giữa rừng, cuộc sống của họ vô cùng cơ cực, nhưng họ vẫn đồng tâm theo A Mét đánh Pháp. Suốt hàng chục năm trời, Pháp chỉ vào làng được một lần và giết được một người già không chạy nổi lên núi cao. Không những không bị khuất phục, người Xốp Dùi từ sự sùng bái Pháp, cho Pháp là con cháu Yang (trời), được Yang cho đồng xu (đồng tiền bằng kẽm) nên biết làm ra súng bắn lở núi, biết làm con diều sắt, dần dà họ đã dám cướp súng để đánh lại Pháp.
Thời chống Mỹ, làng Xốp Dùi vẫn ở nguyên núi Kông Lố và là khu căn cứ vững chắc của cách mạng. Theo ông A Nghem - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp thì những nhân vật trong “Rừng xà nu” đều là nguyên mẫu từ những người có thật. Chẳng hạn như nhân vật Dít thì ở ngay làng Xốp Nghét. Mai chính là bà Y Lay. Riêng Tnú thì ban đầu vốn là tên của một người, sau thành nhiều người. Số là bấy giờ ở làng người ta lập ra những nhóm xung kích để dẫn dắt phong trào. Những người chỉ huy nhóm ấy được gọi tên là Tnú.
“Gian nan là nợanh hùng…”
Mới mươi năm trước tôi từng qua nơi này, chỉ rẽ khỏi đường Hồ Chí Minh một quãng là đã mát lạnh dưới tán xà nu. Tầng tầng những thân cây cao vút, cắm chi chít từ lũng sâu lên chóp núi lững lờ mây phủ… Ngỡ chẳng gì có thể ngăn được sức sống kỳ diệu ấy, vậy mà bây giờ chúng đang bị bàn tay con người “đẩy” tít lên đỉnh chóp các rặng núi xa. Hy vọng về một ngôi làng hãy còn nguyên sơ và huyền bí giữa đại ngàn xà nu trong tôi thoáng chốc vỡ thành hoang tưởng… |
Xốp Dùi bây giờ đã chẳng gắn bó với hậu duệ cụ Mét. Năm con của cụ, một người ở thị trấn Đăk Glei, một người ở làng Đăk Xay, ba người về ở Xốp Nghét…Đường đánh giặc của A Mét nổi tiếng là vậy nhưng cho mãi tới năm 2013, sau khi mất ông mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Đời tư, ông lại càng lận đận. Thời đánh Pháp ông lấy bà Y Roan, được một con trai là A Rươn. Năm 1954 ông lên đường tập kết, cõng theo A Rươn lúc bấy giờ mới chừng 5 tuổi. Một thời gian sau bà Y Roan cũng theo ra Bắc rồi bị bệnh và mất. Trở về quê chiến đấu, ông lấy bà Y Cháp. Bà Cháp sinh cho ông được ba con thì mất. Quãng năm 1985 ông lấy tiếp bà Y Múi. Bà Múi sinh cho ông được một con trai rồi cũng mất luôn…
Tôi ngỏ ý muốn tới thăm con cháu cụ Mét xem họ sống thế nào, ông A Nghem tần ngần: “Trong bốn con của cụ Mét đang sống ở làng thì chỉ mỗi ông A Rơn là con bà vợ ba đủ ăn. Họ nghèo một phần vì học hành dang dở, chỉ được đến lớp 4, lớp 5 thì bỏ”…
Căn nhà của bà Y Hành nằm kế bên con đường vào xã. Đấy là một căn nhà gỗ cũ kỹ thấp tè, nền đất lỗ chỗ… Trong ba chị em cùng mẹ sống ở làng này, bà và A Phim là hộ nghèo, A Mếp cận nghèo. Tuy nhiên bà Y Hành gia cảnh vẫn eo sèo hơn cả. Đấy là một người đàn bà vóc nhỏ thó, gần như chẳng mang chút dáng dấp nào của người cha anh hùng… Chồng chết để lại cho bà 5 đứa con. Bốn đứa trai học hành dang dở rồi bỏ, hy vọng cả ở cô con gái Y Tuyết học xong phổ thông lại là đảng viên, đang làm y tế thôn nhưng cô cũng dang dở chuyện chồng con. Y Tuyết than thở: “Nhà chỉ có 3 sào cà phê chè. Mới rồi thu hoạch bán được hai triệu rưỡi đã phải trả nợ hết. Tiền làm cái nhà này từ năm 2000 đến nay vẫn chưa trả xong…”.
Chẳng phải hổ phụ nào cũng sinh hổ tử - biết là vậy mà tôi vẫn thấy chạnh lòng… Ra đến thị trấn Đăk Glei, tôi bảo lái xe cho ghé vào thăm ông Rươn. Nhờ được ra Bắc, ông Rươn là người duy nhất trong các con cụ Mét được học hành rồi trở thành y sĩ. Chợt nhớ dạo trước nghe cậu con trai đang cất giấu thanh kiếm truyền kỳ của cụ Mét, tôi hỏi ông về thanh kiếm ấy. Ông Rươn lên gác mang xuống. Đấy là một thanh kiếm dài gần mét, cán bịt đồng. Ông Rươn cho hay thanh kiếm này cụ Mét đã rèn nó từ khi là một thủ lĩnh của phong trào Nước Xu rồi từ đó theo ông đi suốt cuộc đời. Tôi nâng thanh kiếm lên tay và cảm giác sức nặng của nó. Sức nặng của núi nước, của con người Tây Nguyên ngàn năm bất khuất dồn về… /.