Dân Việt

Về làng... chân dài

29/08/2011 13:02 GMT+7
Đó là làng Đình Tràng (xã Lam Hạ, TP Phủ Lý, Hà Nam), từ “chân dài” mà người ta ghép cho làng theo đúng nghĩa đen: nhà nào trong làng cũng có người cao trên 1,7m - 1,8m. Có nhiều nhà, nhiều dòng họ còn cao hơn thế.

Từ quốc lộ 1A rẽ vào con đường chính chạy qua Đình Tràng, chúng tôi tấp ngay vào quán bia đầu làng, hỏi chị chủ quán đường vào nhà người cao nhất làng. Chị chỉ tay về phía con đường đá dăm bên cạnh: “Nhà họ Ngô chứ còn ai vào đây nữa”. Thấy chị đi dép lê, mặc quần Tây mà cao lênh khênh, chúng tôi hỏi chiều cao chị. “Chỉ được mét bảy em ơi!”, chị liến thoắng. Rồi chị cười lớn: “Cao như chị ở đây cũng... thường thôi”.

img
Bà Cà và các thành viên của gia đình đều cao trên 1,75m - Ảnh: gia đình nhân vật cung cấp

Cả họ... chân dài

Chúng tôi tìm vào nhà bà Ngô Thị Cà, mẹ của anh em tuyển thủ bóng chuyền Ngô Văn Kiều và Ngô Văn Công đang thi đấu cho Câu lạc bộ bóng chuyền Sanest Khánh Hòa - được coi là hai người có chiều cao nhất nhì làng, lần lượt là 1,96m và 1,94m.

Vừa đến ngõ nhà bà Cà đã gặp cháu Ngô Hải Anh, cháu trai đích tôn của bà chưa đầy 4 tuổi mà đã cao tới 1,20m. Cu cậu đang chơi với một quả bóng chuyền “chú Kiều cho”. “Chả biết lớn có cao như chú Kiều không mà giờ cao nhất lớp mẫu giáo rồi đấy” - bà Cà vui chuyện. Dáng bà Cà ngồi hai chân chống gối thoạt nhìn đã thấy đầu gối chạm tới... tai, bà bỏm bẻm bảo mình chỉ cao có... 1,75m.

“Họ nhà tôi từ thời các cụ đã cao lắm rồi” - bà Cà khoe. Bà còn nhớ rất rõ khi bà mới ít tuổi, ông cậu Lâm Quốc Ngọc đã cao tới 1,87m, rồi kế đến là ông cậu Lâm Quốc Bảo, tuy có kém hơn chút cũng 1,85m. “Hồi đó cao tới cỡ ấy trong làng là đã nhất nhì rồi” - bà cười.

Các cô gái Lam Hạ cũng rất cao

Câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong Lam Hạ bắn máy bay Mỹ giữ cầu Phủ Lý đã được cả nước biết đến vẫn được những người cao tuổi như ông Đấu kể rành mạch từng trận đánh.

Và đặc biệt là nhớ cả chi tiết: “Mười chị em năm xưa ai cũng xinh xắn và trẻ lắm, chỉ 16-18 tuổi thôi. Có đến một nửa là người họ Ngô, họ Lâm đấy. Chị em Ngô Thị Thu, Ngô Thị Thi, chị em Lâm Thị Nguyệt, Lâm Thị Thảo... Các chị ấy thấp nhất cũng 1,62m, có người cao tới 1,70m. So với thời ấy, chiều cao như thế là hiếm có lắm”.

Về sau này, đến anh chị em bà người nào cũng mang chiều cao quá khổ. Cao nhất trong số ấy là người anh Ngô Văn Kiếm. Ông Kiếm cao trên 1,80m, hiện nay đã vào Nha Trang sinh sống, thấp hơn ông Kiếm chút ít là người em Ngô Văn Kích cũng tròm trèm 1,80m. Nhưng đến anh em Ngô Văn Kiều, Ngô Văn Công mới là “thế hệ vàng” của dòng họ Ngô khi hai anh vượt xa ngưỡng 1,90m, chiều cao mà các cụ kỵ chưa ai có được.

Bà Cà bảo chồng bà cao 1,74m, cũng đi làm đồng, mót củ khoai, củ mài về ăn như bao người Lam Hạ khác, ấy thế mà sinh con ra đã thấy đứa nào đứa nấy chân tay dài hơn những đứa trẻ khác trong xóm.

“Dân làng Đình Tràng lúc ấy ai mà không đói. Thằng Kiều, thằng Công phải ăn khoai, ăn sắn trừ bữa, rồi dần mới có miếng rau, mớ cá đi bắt dưới sông cải thiện, vậy mà chúng nó vẫn cao”.

15 tuổi, Ngô Văn Kiều gầy như dải khoai mà người đã vổng lên hơn 1,70m. Người trong làng thấy Kiều lênh khênh như cây sào mới hỏi bà: “Sao không cho đi đá bóng kiếm tiền?”.

Bà lại cười: “Hồi ấy chỉ biết kiếm miếng ăn, tivi cũng chẳng có nên nào có biết đá bóng ra làm sao”. Thời gian sau, người cậu tên Kiếm từ Nha Trang về thăm quê, thấy Kiều cao phổng, lại được hàng xóm gợi ý, vậy là kéo cháu vào Nha Trang học bóng đá. Nhưng đi đá bóng, chân Kiều to chẳng đi vừa cỡ giày nào, phải mua giày ở nước ngoài về. Mà cao quá đá bóng lại hóa ra chật vật.

Sau này chuyển qua bóng chuyền, Kiều mới phát huy được thế mạnh chiều cao vượt trội của mình. Giờ Kiều đã trở thành chủ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam, là đội trưởng đội bóng chuyền nam quốc gia kiêm đội trưởng đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa. Lúc chúng tôi đến nhà, Kiều đang ở Indonesia thi đấu cho một câu lạc bộ nước này.

Chúng tôi gặp anh Trịnh Văn Oanh, một thanh niên Đình Tràng, lúc sắp đi ra khỏi làng. Anh bảo trai gái làng anh cao nhất vùng này, trai “lùn” như anh (anh Oanh cao 1,74m) cũng hơn 1,7m. Ông Vũ Tranh Đấu, một người cao niên trong làng ở ngay đầu thôn, có thể đọc sành sõi tên tuổi từng người có chiều cao nổi bật trong từng dòng họ.

Ông nhẩm tính ngoài dòng họ Ngô Văn từ xưa đến nay vốn vô địch về chiều cao, ở làng còn có dòng họ Lâm, dòng họ Vũ và họ Nguyễn cũng có chiều cao vượt trội. Dòng họ Vũ có anh em Vũ Hữu Phúc và Vũ Xuân Hưởng đều cao xấp xỉ 1,83m, hay chị Vũ Thị Lộc cũng cao gần 1,70m. Ông Lâm Văn Tíu năm nay 62 tuổi cao 1,83m, chị Ngô Thị Huyền cao 1,75m, chị Lâm Thị Nguyệt cao 1,77m...

Cao lắm cũng khổ

Nhiều người than thân trách phận vì thấp bé nhưng ở làng Đình Tràng cũng có người từng cười như mếu vì... cao. Ông Đấu cho biết người trong làng đều phải đóng giường dài 2,20m trở lên. Trước thời kỳ chiến tranh, cửa nhà, trần nhà của người làng Đình Tràng cũng làm cao hơn bình thường nhưng bom đạn đã phá gần hết.

Chiến tranh qua đi, thời điểm khó khăn, người làng không xây được nhà to cao. Từ đó đến giờ cửa của các ngôi nhà đều thấp so với chiều cao của người làng, đi ra đi vào phải cúi, phải khom, không thì đụng đầu.

Chúng tôi ghé nhà chị Ngô Thị Huyền được coi là đôi vợ chồng có chiều cao chênh lệch nhất thôn. Chị cao 1,75m còn chồng chị chưa được 1,60m. Chồng chị đang lúi húi sửa xe, chị đứng dưới bậc thềm vào nhà đón khách mà vẫn cao hơn chồng. Chị Huyền bảo lúc còn con gái, đi xem phim chiếu ở làng khác, chị phải ngồi cúi hoặc ra tận đằng sau ngồi chứ chẳng dám ngồi trước mà thẳng lưng.

Ngày chớm yêu nhau chị chẳng để ý gì, cũng như bao nhiêu thanh niên khác, “thấy ưng tính ưng nết là yêu nhau thôi”. Thanh niên trong làng xôn xao, người làng nói ra nói vào: “Nhìn như chị với em”. Có đứa bạn còn rỉ tai chị: “Mày cao sao lấy chồng lùn thế”. Ngày cưới, nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị một cái ghế gỗ cho chú rể đứng lên làm lễ cho “vừa vặn”.

Lấy nhau hơn chục năm, vợ chồng chị đã có hai đứa con lớn. Cậu con trai mới 15 tuổi mà đã cao 1,70m, tếu táo: “Đến bây giờ có người vẫn gọi bố mẹ cháu là hai chị em đấy”. Nhưng bù lại bố mẹ chồng rất quý cô con dâu cao, “cải thiện” chiều cao cho dòng họ.

Trên đường rời nhà chị Huyền, anh Hùng, cán bộ thôn, chỉ tay về phía nhà văn hóa thôn, chỗ đang xây sân bóng chuyền. Mặc dù còn ngổn ngang cát vữa, mới chỉ có tấm lưới chót vót căng lên nhưng anh vẫn tự hào bởi “xây xong chắc chắn đội bóng chuyền của thôn sẽ có triển vọng lắm”.

Anh nhẩm tính thanh niên còn lại trong làng cao trên 1,80m còn đủ để thành lập 1-2 đội bóng chuyền mạnh. “Năm nào ở xã tổ chức thi kéo co phong trào là năm ấy Đình Tràng vô địch. Thanh niên trai tráng trong làng chân tay dài như cái sào, đi thi chưa vào sới, đối thủ nhìn đội hình đã hãi mà tự thua rồi. Mất cả hứng thi thố” - anh Hùng chép miệng.

Nhiều “đại gia” tìm đến

Các cụ già trong làng kể vui rằng trước đây người dân còn quan niệm các cặp vợ chồng phải “xứng đôi vừa lứa” nên con trai các làng khác ít khi chọn vợ là người Đình Tràng vì ngại... chiều cao và “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.

img
Phụ nữ Đình Tràng đều cao ráo, nhiều người rất xinh xắn và thuần thục với công việc ruộng đồng, may vá. Trong ảnh: chị Ngô Thị Huyền, cao 1,75m - Ảnh: D.T

Nhưng hiện nay, con gái Đình Tràng nổi danh khắp các tỉnh thành là “những cô gái chân dài” nên được rất nhiều chàng trai và cả các “đại gia” ở khắp nơi săn đón, muốn chọn làm “ý trung nhân”. “Nhiều cô gái xứ này lấy chồng nơi khác đều là đại gia giàu có. Con trai xứ khác có dịp đến làng, cứ thấy gái Đình Tràng là say như điếu đổ và sau đó làm quen, đám cưới...”.

Đi hỏi khắp các cụ cao niên trong làng Đình Tràng không ai giải thích được tại sao dân làng mình lại cao đến vậy. Trong các thư tịch cổ của làng cũng không thấy ghi chép lại. Đáng tiếc nhất là gia phả của một số dòng họ tại làng chỉ thông tin cách đây 400-500 năm ông tổ của các họ này đã rất cao và khai lập nên làng. Nhưng các ông từ đâu đến thì lại không ghi rõ.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh - hiệu phó Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - đã đưa ra lý giải về chiều cao bất thường của người làng Đình Tràng về mặt nhân trắc học, cho rằng có thể từ xa xưa đã có một nhóm người có chiều cao vượt trội tới làng sinh sống hoặc có một cá thể trong làng bị đột biến gen trở nên cao lớn hơn. Qua nhiều thời kỳ đã có sự pha trộn giữa nguồn gen của nhóm người cao này với ngư dân trong làng.

Hơn nữa, ngày xưa khu vực quanh làng Đình Tràng rất nhiều sông, làng nằm ở ngay ngã ba, ngã tư sông nên biệt lập với các làng khác, người trong làng kết hôn qua lại nên nguồn gen cao chỉ phát triển trong nội bộ làng, không bị phân tán ra ngoài. Chiều cao trung bình của làng dần được cải thiện, trội hơn so với các làng khác. Dân Đình Tràng lại chủ yếu sống bằng đánh bắt cá, ăn tôm cá quanh năm nên thể chất cũng ngày càng phát triển.

Theo Tuổi Trẻ