Các quan chức đã phủ nhận bất cứ mối liên quan nào giữa hoạt động triển khai và mối quan ngại của NATO về Nga nhưng việc Mỹ điều quân tới Na Uy trùng khớp với động thái tương tự gần đây khi Mỹ điều quân tới Ba Lan để củng cố sức mạnh cho các đồng minh Đông Âu vốn đang lo ngại về sự quyết đoán của Nga.
Toán lính thủy từ trại Lejeune ở Bắc Carolina đã đặt chân đến sân bay Vaernes lúc 10h sáng theo giờ địa phương trong cái lạnh -2 độ C.
Quân đội Mỹ sẽ đóng ở Na Uy trong một năm sau khi đội quân lính thủy này hoàn thành đợt dàn quân kéo dài 6 tháng.
Người phát ngôn của quân đội Na Uy, người sẽ chỉ huy đội lính thủy đang đóng quân cách biên giới Nga 1.500 km cho biết, quân đội Mỹ có ý định học chiến thuật chiến đấu trong mùa đông.
“Trong 4 tuần đầu tiên, lính Mỹ sẽ được huấn luyện cơ bản, học cách chiến đấu cùng xe trượt tuyết và cách tồn tại trong thời tiết băng giá khắc nghiệt, điều này không liên quan gì tới tình hình hiện tại với Nga”, người phát ngôn của quân đội Na Uy, ông Rune Haarstad cho biết.
Vào tháng 3 tới, 300 lính Mỹ sẽ tham gia vào bài luyện tập Joint Viking cùng với quân đội Anh.
Bình luận về vụ việc, phía đại sứ quán Nga trả lời Reuters: “Về việc chính quyền Na Uy cho rằng không có mối đe dọa nào tới nước Nga từ quốc gia này, chúng tôi có thể hiểu rằng mục đích của Na Uy là sẵn sàng gia tăng tiềm lực quốc phòng của mình bằng việc cho Mĩ đóng quân tại đất nước họ?”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết, việc điều quân này không có gì đáng lo ngại với Nga.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide bình luận, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã chỉ ra khả năng cho thấy nước này sẽ sử dụng quân đội cho các mục đích chính trị của mình.