Sáng 17/1, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam đã chia sẻ Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016, trong đó tập trung vào phân tích số liệu AQI (chỉ số thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội và TPHCM do đơn vị này thực hiện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong năm 2016 chỉ số AQI trung bình của Hà Nội là 121 (AQI từ 101-200 thuộc nhóm kém, những người nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài); nồng độ bụi mịn PM2.5 (một chất ô nhiễm nguy hiểm) ở Hà Nội là 50,5 Mg/m3 - cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nếu áp theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh thì năm 2016, Hà Nội có 123 ngày ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, áp theo tiêu chuẩn của WHO thì Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí.
Báo cáo nghiên cứu của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho rằng năm 2016, Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các khu công nghiệp lớn của thành phố và có thêm sự cộng hưởng từ nguồn gây ô nhiễm ngoài biên giới.
Ở TPHCM những con số trên thấp hơn nhiều Hà Nội. Cụ thể, năm 2016, thành phố đông dân và có nhiều phương tiện giao thông nhất của Việt Nam chỉ có 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 175 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO; trong khi chỉ số AQI trung bình là 86, nồng độ bụi mịn PM2.5 là 28,3 Mg/m3.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu của Hà Nội và TPHCM là do khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, nhà máy nhiệt điện, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới.
Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân. Đơn cử như tại Hà Nội, tỷ lệ mắc viêm phế quản ở khu vực Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cao gấp 2,9 lần so với vùng đối chứng là Phú Thị, quận Gia Lâm.
Báo cáo hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí năm 2013 cũng cho thấy, các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người mắc các bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần các đô thị khác. Các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính ở vùng gần các khu vực sản xuất công nghiệp cao hơn rõ rệt so với các vùng đối chứng khác, ảnh hưởng không chỉ người lao động mà còn người dân và trẻ em.