Dân Việt

Cuộc đời kỳ lạ của ông trùm Mino Raiola

Trần Minh 18/01/2017 16:02 GMT+7
Mino Raiola hiện là một trong vài ông trùm môi giới bóng đá quyền lực nhất, tác giả của cú áp phe đưa Paul Pogba và Zlatan Ibrahimovic đến Man United trong Hè 2016. Là một triệu phú, nhưng Raiola vẫn mặc quần bò, áo thun rộng để che cái bụng to đến hai người ôm. Từ chỗ làm trung gian cho các CLB, Raiola giờ đã là người có quyền ra giá cho những ngôi sao bự nhất. Hãy cùng nhìn lại chặng đường vươn lên của Raiola, từ chỗ là người rửa bát cho tiệm pizza đến gã triệu phú quyền lực của làng túc cầu thế giới.

Cậu bé rửa bát ở quán Pizza

Lần đầu nhìn thấy Mino Raiola, có lẽ mọi người sẽ nghĩ đấy là một nhân viên bán pizza đang trong ngày nghỉ. Trên thực tế, họ... gần đúng. Bởi Raiola quả thực đã từng làm việc trong cửa hàng bán pizza của gia đình. Và dù hiện đã là một "đại diện triệu đô", chất lượng phục vụ của Raiola vẫn rất tốt.

img

Simon Kuper, nhà báo kiêm tác giả của nhiều đầu sách thể thao nổi tiếng, gặp lại Raiola ở nhà hàng ngày xưa tay cò này từng làm việc tại Haarlem (Hà Lan) và như thói quen cũ, Raiola rất hào hứng phục vụ khách quý. Ông cố đáp ứng mọi nhu cầu của Kuper: ngồi chỗ này hay chỗ kia, có uống nước tăng lực không, muốn cởi bớt áo khoác cho đỡ nóng không...

Nhìn vẻ bề ngoài, thật khó để kết luận đấy là một trong những nhân vật giàu ảnh hưởng nhất của bóng đá thế giới hiện tại. Không hề tình cờ khi Man United ký cùng lúc với 3 thân chủ của Raiola mùa Hè năm ngoái. Trong đó Paul Pogba là bản hợp đồng cao giá nhất qua mọi thời đại (89,3 triệu bảng). Hai người còn lại là Zlatan Ibrahimovic và Henrikh Mkhitaryan.

Danh sách thân chủ của ông còn có Mario Balotelli, Romelu Lukaku, Blaise Matuidi, Gianluigi Donnarumma... Dù thích hay ghét Raiola (như Sir Alex Ferguson từng rất ghét), bạn không thể phủ nhận đấy là một ông trùm, một đạo diễn tài ba, góp phần khiến cho thị trường chuyển nhượng trở nên sôi động hơn.

img

Raiola đi lên từ nghề bán pizza.

Mọi chuyện đến với Raiola khá tình cờ. Tất cả khởi đầu với một chuyến di cư của gia đình, từ miền Nam Italia đến Haarlem (Hà Lan) vào năm 1968, khi Raiola còn ẵm ngữa. Đã có lúc 35 con người, bao gồm bà con bạn bè của bố mẹ ông, cùng sống trong ba căn nhà liền kề. Rồi nhà Raiola mở một cửa hàng pizza mang tên Napoli ở khu Grote Markt, tức "Chợ lớn".

"Bố tôi đã phải làm việc 18 tiếng, thậm chí có lúc 20 tiếng một ngày ở nhà hàng này," Raiola nhớ lại. "Khi lên 11 hay 12 tuổi, tôi đã theo chân để phụ bố. Ông ở trong bếp, tôi thì rửa chén. Tôi thích rửa chén. Bởi chỉ có những lúc ấy tôi mới cảm thấy tâm mình bình an lạ thường, để có thể nhìn lại những việc mình đã làm trong ngày".

Từ chỗ rửa chén, Raiola được "thăng chức" lên làm bồi bàn. Công việc này giúp Raiola ngày càng trở nên miệng mồm hơn (theo Simon Kuper, Raiola nói với tốc độ nhanh gấp đôi người bình thường).

img

Sau vụ chuyển nhượng thành công Bryan Roy, Raiola bắt đầu bén duyên với nghiệp mua bán cầu thủ.

Ông hỏi thực khách muốn dùng gì, lâu dần ông gợi ý món ăn cho họ. Nếu một khách quen đang gặp chuyện buồn, như một bà chị vừa ly dị chẳng hạn, cậu bé Raiola sẽ ngồi kế bên tâm sự cả buổi bằng cả trái tim. Tài nấu nướng của ông bố và cái mồm của cậu con trai Mino cho kết quả mỹ mãn. Từ một cửa hàng nhỏ, nhà Raiola đã phát triển nên một chuỗi cửa hàng pizza gồm 11 nhà hàng.

Raiola nói tiếng Hà Lan tốt hơn bố. Thời niên thiếu, Raiola đã tự mình đứng ra thương lượng với nhà băng về các khoản vay cho công việc làm ăn của gia đình và rất được lòng thị trưởng Haarlem. Ông cũng nói thông thạo tiếng Ý. Khi một nhà hàng nào đó than phiền về nguồn cung thực phẩm ở Italia, Raiola sẽ đứng ra dàn xếp. Rồi ông thành lập công ty Intermezzo chuyên giúp các công ty Hà Lan làm ăn ở Italia.

Năm 19 tuổi, Raiola đã trở thành triệu phú nhờ mua lại một cửa hàng McDonald’s địa phương, rồi bán lại cho một người kinh doanh bất động sản. Đến lúc này, như Raiola khẳng định, kiếm tiền không còn là mục đích sống nữa. Ông đã có thể làm việc mình thích nhất: bóng đá.

img

Thương vụ bom tấn đầu tiên của Raiola là với Pavel Nedved.

Raiola từng là một cầu thủ trẻ hạng khá, nhưng đủ tỉnh táo để nhận ra mình khó trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Mới hăm mấy tuổi, Raiola đã bỏ dở việc học ở trường luật để trở thành giám đốc kỹ thuật của FC Haarlem (nay đã giải thể). Ở đó, ông đã lên kế hoạch táo bạo để chiêu mộ Dennis Bergkamp, khi ấy hãy còn là một tài năng trẻ của Ajax Amsterdam. Kế hoạch bất thành, bởi Raiola mâu thuẫn với các thành viên khác trong ban lãnh đạo, những người mà ông gọi là bảo thủ và cổ lỗ sĩ.

Năm 1992, Intermezzo làm trung gian để mang tiền vệ Bryan Roy người Hà Lan từ Ajax sang Foggia của Italia. Raiola có 7 tháng sinh sống tại Foggia để giúp Roy làm quen với môi trường mới. Ông giúp cầu thủ này sơn lại căn nhà mới thuê và gặp vợ mình trong thời gian này. Cũng trong 7 tháng ấy, Raiola đã có một số kinh nghiệm quý báu về bóng đá chuyên nghiệp.

Trở thành “Siêu cò”

Rất mau chóng sau đó, Mino Raiola chuyển hẳn nghề từ bán pizza sang... bán cầu thủ. Trong thời gian ở Foggia, Raiola kết bạn với một HLV nghiện công việc Zdenek Zeman người CH Czech. Họ nói chuyện về bóng đá không ngừng nghỉ. Một ngày nọ, Raiola nói với Zeman: "Cầu thủ mà ông muốn không bao giờ tồn tại. Một người chạy 17 km/trận, lừa bóng như Maradona và tập hăng say hơn ông có thể tưởng tượng".

img

Nhưng ông không hề phân biệt cầu thủ ngôi sao và bình thường mà đều lo cho họ như nhau, ví dụ như trường hợp của Rody Turpijn.

Thế nhưng giữa thập niên 1990, thông qua những mối liên hệ ở CH Czech, Raiola đã tìm được một cầu thủ... gần hoàn hảo theo lý tưởng của Zeman: Pavel Nedved, cũng là người CH Czech.

Raiola nói: "Pavel Nedved là một người cực đoan. Anh ấy luôn nghĩ mình không có năng khiếu chơi bóng, nhưng anh ấy tập luyện hăng say hơn bất kỳ ai để có thể chơi tốt hơn". Nevded tập như điên trên sân để khởi động, sau đó anh về nhà và tập tiếp trong vườn. Năm 1996, Raiola bán Nedved sang CLB mới của Zeman: Lazio.

Đấy là bản hợp đồng lớn đầu tiên, khởi đầu cho một sự nghiệp kéo dài hơn 20 năm đến tận ngày hôm nay. Trong 20 năm ấy, Raiola đã bay đến mọi nơi ở châu Âu, với hành trang chỉ là một chiếc cặp bé nhỏ, đủ để đựng những giấy tờ cần thiết. "Tôi đã phải trả giá không ít cho công việc mình yêu thích," Raiola nói. "Tôi đã không thể chứng kiến các con mình lớn lên". Gia đình Raiola hiện đang sống ở Monaco, với lý do chính liên quan đến thuế.

Nếu quyết định viết hồi ký, có thể Raiola sẽ đặt tên nó là "Nghệ thuật thương thuyết". Bởi vì thương thảo hợp đồng cho thân chủ là "nghề của chàng".

img

Ibrahimovic đã gắn bó với Raiola suốt nhiều nằm và làm nên tên tuổi một phần nhờ người đại diện uy quyền này.

Nhưng ông không hề phân biệt cầu thủ ngôi sao và bình thường mà đều lo cho họ như nhau, ví dụ như trường hợp của Rody Turpijn Nhưng ông không hề phân biệt cầu thủ ngôi sao và bình thường mà đều lo cho họ như nhau, ví dụ như trường hợp của Rody Turpijn

Năm 1998, Rody Turpijn chuẩn bị chuyển nhượng từ Ajax sang De Graafschap. Đây tất nhiên là một sự "xuống cấp" về mặt nghề nghiệp. De Graafschap là CLB duy nhất muốn có Turpijn vào thời điểm ấy. Cầu thủ này, cùng với Raiola và vị chủ tịch của De Graafschap gặp nhau trong một khách sạn ở đường cao tốc. Mức lương đề nghị không hề tệ, thậm chí còn cao hơn lương hiện tại khi ấy của Turpijn ở Ajax. Nhưng Raiola đã đi một nước cờ táo bạo:

"Thôi, chúng tôi đi về. Đừng làm mất thời gian của nhau nữa. Đề nghị này không nghiêm túc gì cả. Ông biết anh ấy lãnh lương bao nhiêu ở Ajax không?"

Turpijn ngẩn ngơ trước phản ứng ngoài dự liệu của Raiola. Nhưng anh cũng đứng dậy. Vị chủ tịch lập tức xuống nước và sau 20 phút, một hợp đồng được gút lại, giúp cho Turpijn không chỉ sống khỏe trong 4 năm tiếp theo mà dư giả đến... hết đời.

img

Với các quan chức như Moggi, Raiola là kể vô cùng chướng tai gai mắt.

Câu chuyện vừa nêu nói lên được tài nghệ tâm lý tuyệt vời của Raiola. Nó cũng cho thấy ông yêu mến mọi thân chủ như nhau. Với Raiola không có hợp đồng lớn hay nhỏ, bởi một vụ chuyển nhượng nhỏ nhất cũng có thể làm thay đổi cuộc đời một cầu thủ. Turpijn đã không thể trở thành một Pavel Nedved thứ hai. Anh giải nghệ năm 25 tuổi và sau đó cắp sách đến giảng đường đại học.

Ở Ajax, Raiola tìm thấy một thân chủ mới vào năm 2001. Đấy là một chàng trai người Thụy Điển gốc Nam Tư cũ: Zlatan Ibrahimovic. Raiola sau này sẽ trở thành nhân vật trọng tâm trong cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" của Ibrahimovic. Không có gì quá ngạc nhiên, bởi Raiola đã làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của của Zlatan.

Nhờ tài thương thuyết tuyệt vời của Raiola, máu phiêu lưu và chinh phục của chính bản thân, Zlatan đã lần lượt khoác những màu áo lớn nhất châu Âu: Juventus, Inter Milan và AC Milan ở Italia, Barcelona ở Tây Ban Nha, PSG ở Pháp và bây giờ là Man United ở Anh.

img

Nhưng với các cầu thủ Raiola như 1 người bạn tâm giao từ Mario Balotelli...

Ibrahimovic đã gắn bó với Raiola suốt nhiều nằm và làm nên tên tuổi một phần nhờ người đại diện uy quyền nàyIbrahimovic đã gắn bó với Raiola suốt nhiều nằm và làm nên tên tuổi một phần nhờ người đại diện uy quyền này

Zlatan và Raiola gặp nhau lần đầu trong một nhà hàng kiểu Nhật Bản. Zlatan mặc áo sống chỉnh tề, chỉ để gặp một gã bụng bự mặc quần jean và áo thun của Nike bước vào. Sau này, Raiola nói cho Zlatan biết ăn mặc xuề xòa cũng là một chủ đích của mình, để đối phương có ý coi thường mình trước khi bước vào cuộc thương thảo.

Zlatan mau chóng bị Raiola chinh phục. Hôm ấy, một mình Raiola ăn khẩu phần của 6 người. Vừa nhồm nhoàm thức ăn, ông vừa hỏi: "Mày có muốn trở thành cầu thủ hay nhất thế giới không? Hay chỉ là thằng tiền đạo thích lừa bóng và thể hiện?". Zlatan trả lời có. Raiola nói ngay: "Vậy bán hết xe cộ, đồng hồ và ra sân tập gấp ba vào. Vì các chỉ số thống kê của mày quá tệ, nhìn vào đó thì chỉ có chó nó mới mua". Zlatan, sau một phút tức tối, đã quyết định sẽ làm theo. Và anh trở thành một cầu thủ siêu chuyên nghiệp như Nedved ngày nào.

Dị ứng với các sếp lớn

Nếu như Raiola là người bạn trung thành của thân chủ, thì ông lại gây khó chịu cho không ít sếp bự ở các đội bóng. Bởi vì Raiola sẽ luôn tìm cách đặt họ vào thế bị động. Nhưng đã muốn mua cầu thủ của Raiola, họ dứt khoát phải lụy ông. Mino là người duy nhất dám gác chân lên bàn làm việc của Luciano Moggi, thuở vị này còn ngồi ghế TGĐ của Juventus và là nhân vật hét ra lửa ở Italia. Raiola kể lại chuyện Juventus hỏi mua Nedved từ Lazio.

img

... cho tới Paul Pogba.

Raiola: Moggi, ông có đeo đồng hồ không.

Moggi: Có.

Raiola: Chúng ta gặp nhau mấy giờ được đây?

Moggi: 12 giờ trưa ở Florence nhé.

Raiola: Tôi sẽ đến đó vào lúc 11h50. Nhưng 12h10 mà ông không đến tôi sẽ đi. Lúc ấy, giá mua sẽ tăng gấp đôi.

Với các quan chức như Moggi, Raiola là kể vô cùng chướng tai gai mắtVới các quan chức như Moggi, Raiola là kể vô cùng chướng tai gai mắt

12h10 Moggi chưa đến, Raiola rời đi. Và năm đó Juve phải bỏ ra đến 41 triệu euro để chiêu mộ Nedved về thay Zinedine Zidane. Ở Juve, Nedved giành "Quả Bóng Vàng" năm 2003 và vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp. Giờ đã treo giày, anh vẫn thường xuyên liên lạc với Raiola. Còn Moggi thì tất nhiên ghét Raiola như xúc đất đổ đi.

Nhưng với các cầu thủ Raiola như 1 người bạn tâm giao từ Mario Balotelli...Nhưng với các cầu thủ Raiola như 1 người bạn tâm giao từ Mario Balotelli...

Raiola cũng không ưa các “quan” ở FIFA. Ông gọi Sepp Blatter là "lão độc tài hết đát". Nhưng cầu thủ thì yêu quý ông hết mực. Mario Balotelli bốc máy lên gọi Raiola trước tiên khi nhà mình phát hỏa. Cầu thủ trẻ của Raiola thường xuyên FaceTime với ông. Phóng viên hỏi ông có xem thân chủ là bạn không, Raiola đáp ngay: 99% là có. Vậy Paul Pogba thì sao? Raiola nói: "Tôi không hề xem anh ấy là thân chủ luôn. Tôi dám nói anh ấy với tôi là người nhà".

... cho tới Paul Pogba... cho tới Paul Pogba

Có thể nói Raiola đã biến tiệm pizza gia đình thành một công ty đại diện cầu thủ theo kiểu gia đình: coi sóc cho nhau, thương yêu nhau. Raiola không bao giờ hẹn gặp cầu thủ trong văn phòng. Ông thích mời họ ra quán ăn, thỉnh thoảng rủ họ về cái quán pizza của mình, rồi tự mình phục vụ.

Đấy là nhân vật đã bán Zlatan với tổng giá trị chuyển nhượng 131 triệu euro và bán Paul Pogba với giá 105 triệu euro!