Từng có nhiều ý kiến cho rằng, Happy New Year không phải là một ca khúc đáng nghe vào dịp Tết. Ở Việt Nam hay bất kì đâu, những ngày đầu năm mới luôn chứa đầy sự háo hức và mừng vui, trong khi ca từ trong tác phẩm của ABBA lại vô cùng buồn và ảm đạm.
Đó chính là lí do vì sao có một sự thật, rằng Auld Lang Syne mới là ca khúc viết về năm mới nổi tiếng và được nghe nhất thế giới, chứ không phải là Happy New Year.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thì Happy New Year lại là ca khúc quen thuộc hơn cả.
Chân dung nhà thơ Robert Burns, người được xem là cha đẻ của ca khúc bất hủ Auld Lang Syne
Auld Lang Syne là tên bài hát theo tiếng Scotland, được dịch ra tiếng Anh là Old Long Sine – Những ngày xa xưa. Đây là một bài hát cổ, đã có lịch sử hơn 200 năm với lời ca được chuyển thể từ bài thơ của thi sĩ Robert Burns (1759 – 1796).
Người Scotland tôn thờ Robert Burns như một thi nhân, đó là lí do vào năm 2009, Robert Burns được vinh danh là người Scotland vĩ đại nhất mọi thời đại.
Chuyện kể lại rằng, Auld Lang Syne thực tế là một bài dân ca cổ, được tác giả Robert Burns ghi chép tay lại từ tiếng hát của một cụ già ngồi ven đường. Bài hát chỉ thực sự được biết đến rộng rãi sau khi ông gửi bản thảo đến Viện bảo tàng Âm nhạc Scotland với lời nhắn: “Bài hát sau đây là một bài hát rất cổ, thuộc về thời đại xa xưa và chưa bao giờ được in ra”.
Bản thu âm trên sóng radio của Guy Lombardo vào năm 1928 được xem là bản gốc hoàn hảo của ca khúc này.
Ca khúc là sự lặp đi lặp lại của câu hỏi tu từ: “Lẽ nào lại quên đi những người bạn cũ năm xưa/ Và không bao giờ nhớ gì nữa?/ Lẽ nào quên đi những người bạn xưa ấy/ Và những ngày xưa êm đềm?”.
Lời ca của Auld Lang Syne nhắc nhở chúng ta, dù thời gian trôi qua mỗi giây, mỗi ngày nhưng không bao giờ được lãng quên quá khứ và những người đã đến trong cuộc đời ta, dù họ mang đến đắng cay hay ngọt ngào. Bởi vì chính họ đã tạo nên chúng ta ở thì hiện tại.
Lời ca đậm chất nhân văn thông qua giai điệu mang tính ám ảnh của Auld Lang Syne chính là nguyên do giúp ca khúc đến với đông đảo công chúng toàn cầu hơn cả. Không chỉ ở Scotland, Auld Lang Syne trở thành bản nhạc nổi tiếng khắp thế giới vào dịp năm mới.
Ca khúc đã vang lên tại Quảng trường Thời đại vào mỗi dịp đón mừng năm mới suốt từ năm 1929 đến nay. Trong khi đó, vào năm 1997, lực lượng cảnh sát Hoàng gia Hồng Kông đã chơi Auld Lang Syne trong ngày rời nhiệm sở của thống đốc Chris Patten, ghi dấu việc Anh chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, khi con tàu Nhật Bản Montevideo Maru bị đắm, khoảng 1503 người Australia thiệt mạng, những người sống sót đã hát Auld Lang Syne để vĩnh biệt những nạn nhân xấu số.
Gần 100 năm qua, Auld Lang Syne luôn là ca khúc được chờ đón tại Quảng trường Thời đại (Mỹ) trong đêm giao thừa
Auld Lang Syne được đặc biệt yêu mến như vậy là bởi, quá khứ gợi những kí ức buồn vui lẫn lộn, những vận xui mà mỗi người đã từng nếm trải. Ghi nhớ quá khứ và hướng tới một khởi đầu mới tràn đầy hi vọng sẽ là cách con người ta vươn lên sống tốt hơn, rực rỡ hơn.
Ca khúc vì vậy hơn hẳn Happy New Year về lời ca, giúp người nghe không ngừng hi vọng vào một tương lai tốt đẹp trong dịp chuyển giao năm cũ – mới.
Mariah Carey là giọng ca nữ cover thành công nhất ca khúc Auld Lang Syne
Không chỉ có vậy, Auld Lang Syne còn là ca khúc tuyệt vời viết về tình bạn, ghi khắc cho người người nghe rằng, không được lãng quên những kỷ niệm cũng bè bạn đã từng đi qua đời ta. Có thể trong một phút giây nào đó, ta bất chợt quên mất rằng bên cạnh mình còn có những người bạn cũ, thì Auld Lang Syne sẽ nhắc nhớ và làm sống lại tình bạn ấm áp thuở nào.
Với những ý nghĩa tuyệt vời mang lại cho người nghe và xã hội con người nói chung, Auld Lang Syne xứng đáng là ca khúc về năm mới nổi tiếng và phổ biến nhất thế giới.
Ca khúc Auld Lang Syne qua phần thể hiện của Mariah Carey: