Tết của người Việt già thì muôn đời vẫn thế, mong ngóng con cháu đi làm ăn xa, nhìn tờ lịch từng ngày trôi qua khắc khoải. Bà mẹ già cắm cúi chọn từng hạt gạo mẩy tròn, từng hạt đỗ xanh lòng óng ả, chiếc lá dong bánh tẻ, miếng thịt lợn hồng để gói tình vào chiếc bánh chưng xanh, dành cho cháu con.
Trẻ em khai bút đầu xuân. Ảnh: I.T
Tết của người Việt trung niên đang lơ lửng giữa hai chiều xuôi ngược, nửa muốn đi chơi xa, nửa muốn về quây quần bên gia đình, quê hương bản quán. Đắn đo, cân nhắc thiệt hơn, và cuối cùng, nhiều người đã chọn con đường về với mùa Xuân của mẹ.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ bứt ra khỏi công việc đảo điên để thấy lòng thư thái làm sao. Tiết cuối năm bao giờ cũng có chút mưa phùn miền Bắc hay chút nắng nhẹ phương Nam, để đất trời có một bước chuyển mình dịu nhẹ.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ thấy thương làm sao quê hương xứ sở mình, dù còn vất vả gian lao nhưng tình đất, tình người vẫn muôn đời bền chặt. Là đất dâng hiến đến cạn mình cho đồng lúa tươi xanh, là sông nồng nàn phù sa tôm cá, là biển cho những trùng khơi vươn xa vươn xa, là núi như tấm phên dậu muôn đời che chở.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ thấy yêu làm sao ông bà cha mẹ, họ hàng, làng xóm. Vẫn những nụ cười chân chất, những khuôn mặt dãi dầu nắng mưa mà sự đen bạc ở đời không bao giờ làm phai đi tình người nồng hậu. Về với quê hương, về với xóm giềng, đón cái tết trong tình thân ấm áp, hỏi trên mặt đất này, còn chỗ nào ân tình chứa chan hơn?
Tết muôn đời là tết, không bao giờ khiến người ta phải lụy vì mâm cao cỗ đầy, thức cúng dâng lên ông bà tiên tổ cũng vẫn là những gì đẹp nhất, thanh sạch nhất, từ tấm lòng thành của con cháu, mơ màng trong khói hương trầm vương vấn chiều tất niên.
Trên con đường về với quê hương, người đem tết về cho nhau, người đi để tìm thấy tết. Tết vì thế mà muôn đời còn mãi, muôn đời che chở, nâng niu.