(Ảnh minh họa. Nguyễn Hòa)
“Dưới góc độ quản lý, tôi cho rằng về cơ bản đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe là hợp lý, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm vững được thông tin của chủ sở hữu xe. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, như thế là không ổn.
Cụ thể: Khoản 1, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.”. Chiếu theo quy định này thì ô tô của mỗi công dân có thể được xem là các “tư liệu sinh hoạt” hoặc “tư liệu sản xuất” dùng để phục vụ cho công việc cũng như sinh hoạt của công dân.
Mặt khác Điều 163, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:
“1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.”
Việc đề xuất một biển số xe cho một công dân lại không thuộc trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh… nêu trên. Như vậy đề xuất đó sẽ hạn chế quyền công dân, không đúng với tinh thần của những quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự".
(Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội)
“Ở nước Áo, có quy định cấp 1 biển xe để sử dụng cho nhiều xe. Cần sử dụng xe nào thì lấy biển lắp vào xe đó. Tuy nhiên không cứng nhắc là mỗi công dân chỉ được cấp một biển số số xe. Việc muốn cấp biến số xe nữa hay không do chủ xe lựa chọn. Nhưng chẳng ai lựa chọn phương án mỗi xe một biển, vì càng nhiều xe, càng phải đóng phí nhiều, có “đắp chiếu để đấy” thì mỗi tháng cũng phải mất hơn 100 Ero. Tôi cho rằng quy định mở như thế thì rất tiện cho người dân. Tất nhiên điều này chỉ phù hợp với đất nước có mật độ dân số thấp. Việc quyết định cấp biển số thế nào phải căn cứ vào thực tiễn và có quá trình nghiên cứu thận trọng để đảm bảo thuận lợi cho người dân”.
(Ảnh minh họa. Nguyễn Đức)
(Bạn đọc Lê Tiến Hùng, Neudau, CH Áo)
“Còn nhớ cách đây hơn chục năm, để hạn chế phương tiện cá nhân, Hà Nội đã đưa ra quy định, mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy. Thế là họ nhờ người quen chưa có xe máy đứng tên đăng ký giúp; ai không có người quen ở Hà Nội thì nhờ người quen ở tỉnh khác, thậm chí họ trả cho người đứng tên một số tiền để mua suất đăng ký. Thế là đâu vẫn hoàn đấy, lượng xe máy ở Hà Nội không những không giảm mà còn tăng lên; từ việc này còn nảy sinh tiêu cực. Bây giờ ô tô cũng thế, cấm cách này thì người ta lại lách luật bằng cách khác. Như vậy đề xuất cấp mỗi người một biển xe liệu có hiệu quả?”
(Bạn đọc Trần Thanh Tùng, Cầu Giấy, Hà Nội)
“Thử hỏi, một doanh nghiệp tư nhân, cần có năm bảy chiếc ô tô để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, mà nếu chỉ cho người ta được sở hữu 1 biển số xe thì biết xoay sở ra sao? Ý tưởng đề xuất này cần phải được dự liệu cho nhiều trường hợp, chứ nếu không cân nhắc kỹ mà đưa ra quy định đó thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Nếu vì quy định này, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí vì nó mà nhiều người mất việc làm, doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì ai chịu trách nhiệm?”
(Bạn đọc Trần Thọ, Hưng Hà, Thái Bình)
“Trong điều kiện ùn tắc giao thông như hiện nay thì ý tưởng mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe cũng rất hay, sẽ hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân, và từ đó hạn chế được tình trạng tắc đường. Nhưng liệu chúng ta có thể kiểm soát được việc này không? Nếu họ nhờ con cháu, anh em bè bạn đứng tên thì làm thế nào? Tôi cho rằng ý tưởng hay nhưng rất khó khả thi”.
(Bạn đọc Đoàn Đại Cương, Hoài Đức, Hà Nội)