Dân Việt

Chuyện về làng nghề hương thảo dược nức tiếng đất Hưng Yên

Phú Lãm 25/01/2017 10:00 GMT+7
Hàng trăm năm gìn giữ nghề làm hương truyền thống, người Cao Thôn (xã Bảo Khê, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) phát huy những sản phẩm tinh túy từ thảo dược, nức danh cả nước…

Xiêu lòng hương thảo dược

Làng nghề hương xạ Cao Thôn nổi tiếng nhiều sản phẩm độc đáo khác nhau như hương vòng, hương nén, hương đen… Mang đặc trưng thanh khiết, phảng phất thơm lâu. Đó là tinh túy hòa quện từ hàng chục loại thảo mộc.

img

Hương thảo dược Cao Thôn vừa đẹp, vừa thơm bậc nhất.

Ông Đào Đức Triệu (người Cao Thôn, hơn 30 năm làm hương) cho biết, thông thường hương làng Cao Thôn làm từ 18 - 21 vị thuốc Bắc. Ngày trước, khi chưa có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại, người làng làm hương bằng phương thức thủ công hoàn toàn. Từ công đoạn pha trộn nguyên liệu, se, nén, đóng gói hương… đều chỉ làm bằng tay.

Những năm gần đây, nhu cầu thị trường tăng cao, người làng vừa giữ gìn phương thức truyền thống, kết hợp máy móc hỗ trợ tăng năng suất. Nếu như trước đây, chỉ làm thủ công mỗi ngày 1 công nhân sản xuất được 4-5 nghìn que hương, nhờ có máy móc năng suất lên tới 3 vạn que/người/ngày. Sản phẩm hoàn thiện giữ nguyên màu sắc đẹp, nhưng mùi thơm khác biệt chỉ hương nơi đây mới có.

“Dân chúng tôi làm hương từ những thảo mộc: Quế, hồi, trầm, hoàng đàn, nhục đậu, đinh hương, xuyên khung, rễ hương bài, nhựa trám… Cùng nguyên liệu,  mỗi gia đình có bí quyết hòa chế riêng. Mùi hương mỗi nhà đặc trưng, ngửi hương nhà ai biết nhà đấy”, ông Triệu bộc bạch.

Quá trình làm hương Cao Thôn gồm nhiều công đoạn kỹ thuật phức tạp. Các vị thảo mộc được cân, đong theo tỷ lệ bí quyết của từng gia đình. Tăm hương được tạo chế công phu: Dài từ 32-45cm, đặc biệt, tăm hương sào dài 80-100cm, được làm từ những cây nứa bánh tẻ cho sự bền dẻo. Chân tăm được nhuộm đỏ để tăng vẻ đẹp, cũng là đánh dấu phần chân hương. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu hoàn tất, những người thợ tiến hành se, nén hương.

Người thợ làm hương khéo léo như nghệ sĩ múa, đôi tay dẻo dai se, nén hương que điêu luyện; giữ khuôn, lắc, xếp, rải vòng thoăn thoắt như “phượng múa rồng bay”. Hương thành hình được phơi, sấy trên phên sao cho đảm bảo thẩm mỹ mà còn dậy mùi, nhạy bắt lửa.    

Người Cao Thôn làm hương quanh năm, nhưng “rộ vụ” từ tháng 3 âm lịch cho đến cận Tết cổ truyền. Càng gần Tết hoạt động sản xuất, buôn bán trong làng càng nhộn nhịp.

Vào vụ, từ đầu làng Cao Thôn ầm ập những phên phơi bày trên từng khoảng rộng, sắc vàng, nâu của hàng vạn que hương đan xen rợp mắt. Khách thăm cũng dễ dàng bắt gặp những gian hàng bên đê, ven đường bày bán hương đa dạng chủng loại hương. Sâu vào làng, tăm hương như những đóa hoa rực rỡ, không gian phảng phất hương thảo mộc thanh mát xiêu lòng.

Truyền đời gìn giữ “nghề thơm”

Cụ Đào Đức Thụ (người làng Cao) cho biết, nghề làm hương ở Cao Thôn có từ hơn 200 năm trước. Tương truyền, từ khi thôn nữ tài sắc Đào Thị Khương lấy chồng bên Tàu, học được nghề làm hương xạ bà trở về thăm quê, dạy nghề cho dân.

Trải hàng trăm năm thăng trầm cùng biến cố lịch sử, nghề làm hương cổ truyền được người dân làng Cao đời đời nối truyền gìn giữ, phát triển. “Theo chân” người thợ ra xứ kinh kỳ, đi khắp nơi, danh thơm hương xạ làng Cao nức tiếng cả nước.

Truyền đời giữ nghề gắn liền những nghi lễ, giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc, các thế hệ người làng Cao đặt tâm đức lên hàng đầu. “Nén hương là cầu nối giao hòa thiêng liêng giữa Thiên - Địa - Nhân: Con người và đất, trời. Nghề hương cao quý không cho phép người làng chúng tôi gian dối. Hơn 200 hộ dân Cao Thôn đều trân quý, lưu giữ và phát huy nét đẹp tâm linh truyền thống từ xa xưa truyền lại”, bậc cao niên nói.

Ở Cao Thôn, người làm hương quan niệm những vị thuốc Bắc giống như tinh túy của đất trời hội tụ. “Hồn cốt” nén hương Cao Thôn chính là đây. Mỗi gia đình một bí quyết cùng tạo lên những sản phẩm hương xạ thanh khiết bậc nhất.

Nhiều thế hệ, người làng Cao Thôn vẫn giữ khuôn phép cổ truyền. Chỉ truyền nghề cho người trong họ, tuyệt nhiên không truyền ngoài họ. Hằng năm, nhằm ngày 22.8 (âm lịch), người làng nô nức làm giỗ, tri ân công ơn “Tổ nghề”.

Mỗi nén hương thắp lên, tiềm chứa nét đẹp văn hóa, tấm lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên… Chẳng ai bảo ai mà thành lệ, mỗi khi chuẩn bị “khởi” mẻ hương mới, người làng Cao Thôn lại thắp lên nén hương cúi đầu tưởng nhớ gia tiên, cầu mong cuộc sống an yên, hạnh phúc…

                                 img

  Tăm hương được tinh chế sao cho dẻo, bền, đẹp mắt.

img

“Bột” hương.

img

Nhựa trám - một trong những nguyên liệu từ thảo mộc được người làng Cao Thôn sử dụng làm hương.

 img

Những bó tăm hương như những đóa hoa rực rỡ.

img

Ông Đào Đức Triệu phân tích tinh túy hương thảo dược của làng mình.

img

 Những vòng hương thanh khiết, thơm mát.

img

img 

Đến Cao Thôn dễ dàng bắt gặp những hàng hương đủ chủng loại ở quán ven đê, ven đường…

img

 

img

 

img

 

img

 Cao niên Đào Đức Thụ kể về lịch sử nghề hương Cao Thôn.