Nhiều chủ vườn co ro dùng cơm hộp chờ Tết. Ảnh: Dũ Tuấn
Tết cận kề, ông Trần Ngọc Hiến (37 tuổi, trú tỉnh Thái Bình) vẫn còn tá túc ở khu chợ hoa Tết tại phố biển Quy Nhơn (Bình Định) để mưu sinh.
Ông Hiến cho biết: “Tôi bỏ ra 15 triệu đồng thuê xe tải để vận chuyển từ Thái Bình vào đây 200 gốc đào và 100 gốc quất. Hiện tại, đào có giá từ 1 triệu trở xuống/gốc, quất thì khoảng 800.000 đồng/gốc, nhưng sức mua chưa nhiều lắm”.
Nhiều căn lều tạm bợ được dựng lên để canh hoa Tết. Ảnh: Dũ Tuấn
Giống như nhiều người tại khu chợ hoa Tết, ông Hiến dựng lều bạt tạm bợ để ngủ giữa trời canh hoa. Bữa cơm tối thiếu món của ông chỉ được gói gọn trong chiếc hộp bé tẹo, được mua ở hàng quán ven đường.
Ăn uống vội vã, ông lại lao vào công việc canh hoa và rôm rả “tiếp thị” mỗi khi có khách ghé ngang.
Anh Bùi Thanh Huy (37 tuổi, trú TP.Quy Nhơn) co ro chờ Tết. Ảnh: Dũ Tuấn
“Mưu sinh ngày cuối năm, phải chịu cảnh xa quê như tôi thì khổ trăm bề. Bữa cơm thiếu vắng gia đình có ngon lành gì đâu, nút vội để tiếp tục công việc thôi. Trong này, tình hình an ninh ổn định không lo trộm cướp nhưng thời tiết đang diễn biến thất thường, mấy ngày nay cứ mưa liên tục nên nhiều nhà vườn lo quá. Tôi chỉ mong bán xong sớm để kịp về quê Thái Bình ăn Tết với gia đình” - ông Hiến chia sẻ.
Người dân Quy Nhơn đang sum vầy dạo phố dịp cuối năm. Ảnh: Dũ Tuấn
Hơn 10 năm nay, vào dịp cuối năm, anh Bùi Thanh Huy (37 tuổi, trú TP.Quy Nhơn) lại lặn lội đi các vùng miền để mang hoa về bán tại Quy Nhơn. Nhiều ngày nay, anh cùng người thân co ro chờ Tết trong căn lều tạm bợ, cạnh chậu hoa. Giữa tiết trời se lạnh, anh chỉ biết sưởi ấm từ ấm trà nóng, còn nghi ngút khói.
“Do ảnh hưởng của mưa lũ nên năm nay lượng hoa tương đối ít và sức mua chậm hơn so với mọi năm. Tôi vận chuyển trên 2.000 chậu ớt bi và ớt bóng đèn, tắc… từ Đà Lạt, Đồng Tháp về để phục vụ nhu cầu của người dân, nhưng chỉ mới bán được vài chục chậu thôi. Tối dựng lều ngủ ở đây, 1 cái lều nhỏ nhưng 4-5 người thay phiên nhau ngủ và trực canh hoa” - anh Huy bộc bạch.
Rất nhiều thiếu nữ tận dụng chợ hoa Tết để chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc ngày cuối năm. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, dọc 2 bên đường quốc lộ 1 (tại huyện Tuy Phước, TX.An Nhơn), hàng trăm người dân tá túc qua đêm tại lều để canh hoa bán Tết. Mỗi khi trời mưa lớn bất ngờ, họ lại đứng ngồi không yên vì nỗi lo hoa hỏng do thời tiết.
Trắng đêm canh hoa Tết, nhà vườn lo sợ mưa lớn “tấn công”. Ảnh: Dũ Tuấn
Chọn cách đơn giản, ông Nguyễn Văn Xiêm (36 tuổi, trú TP.Quy Nhơn) kê chiếc giường xếp bé tẹo, cạnh vườn hoa để tiếp thị khách. Ban đêm, ông chợp mắt giữa trời với chiếc áo ấm cũ kỹ được khoác cẩn thận lên người.
Giữa đêm khuya, mưa cứ kéo về khiến giấc ngủ của người đàn ông này không được trọn vẹn. Ông Xiêm lật đật “đội” mưa, cuống cuồng tìm cách che đậy hoa trong khoảng không gian tĩnh lặng, chỉ le lói thứ ánh sáng từ bóng đèn đêm.
Chợ hoa đêm ngày Tết vẫn đang chờ khách hàng. Ảnh: Dũ Tuấn
“Với hơn 500 chậu cúc, tôi lo thời tiết thất thường “tấn công” bất ngờ, vì mưa lớn gây hư hỏng hoa thì bán không được. Năm nay ảnh hưởng do mưa lũ dữ quá nên tác động đến thị trường mua hoa dịp Tết chậm lại. Cuối năm, Tết đến nơi rồi mà trời vẫn chưa chịu hết mưa nên đã bị ảnh hưởng ít nhiều về chất lượng hoa. Trong thời gian tới, nếu sức mua chậm, mưa lớn cứ tiếp diễn thì chúng tôi chắc phải nhổ gốc mang chậu về, không có tiền lo Tết” - ông Xiêm trải lòng.