Dân Việt

Doanh nghiệp, tập đoàn lớn - làn sóng mới trong nông nghiệp

Nguyên Linh 23/01/2017 07:00 GMT+7
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thời tiết, song năm 2016, có thể được coi như một sự “bùng nổ” của làn sóng các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có các tên tuổi lớn đã và tuyên bố sẽ đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, TH true Milk, Hòa Phát, Trường Hải Auto, FPT và mới nhất là Công ty CP Thế giới di động đầu tư vào hệ thống Bách hóa xanh.

Nở rộ xu thế doanh nghiệp liên kết với nông dân

Khác với chiến lược đầu tư vào công nghiệp, điều dễ nhận thấy của các DN lớn khi đầu tư vào nông nghiệp là “tìm sự liên kết” với nông dân, bởi để làm nông nghiệp thực sự, vai trò của người nông dân không thể tách rời. Trong số này, Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) là DN đi đầu trong chiến lược này khi tuyên bố sẽ đầu tư 4.000 tỷ đồng vào nông nghiệp.

Bà Vũ Tuyết Hằng – Tổng Giám đốc Công ty VinEco cho biết, tháng 3.2015, VinEco chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, công ty đã quyết định đầu tư 4.000 tỷ đồng để theo đuổi lĩnh vực này. Hiện VinEco đang sản xuất trên 14 nông trường, với hơn 100 sản phẩm, sản lượng 50 – 60 tấn rau sạch/ngày,  dự kiến năm 2017 sẽ nâng lên khoảng 150 – 180 tấn/ngày.

img

   Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lại Xuân Môn thăm mô hình sản xuất rau củ trong nhà kính bằng công nghệ cao của Công ty FVF tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: C.T

Theo bà Hằng, từ ngày 1.9.2016, VinEco đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với 1.000 hộ nông dân. Công ty đã chi khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện, trong đó 250 tỷ đồng dành cho hỗ trợ sản xuất. Rau, củ, quả được giám sát từ khâu làm đất cho đến lúc chăm sóc, thu hoạch và đến bàn ăn… “VinEco sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, để mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, máy móc, giống… Ngoài ra, VinEco sẽ dành 50 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, chi phí kiểm tra sản phẩm tại các phòng lab và đội ngũ kiểm soát chất lượng dự kiến khoảng 300 người”- bà Hằng nói.

Một tên tuổi lớn khác cũng đang tập trung đầu tư vào nông nghiệp là Tập đoàn Hòa Phát. Ông Trần Tuấn Dương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát bắt đầu làm nông nghiệp từ năm 2015 theo hướng đầu tư bài bản, quyết liệt nhưng thận trọng, không làm một cách ồ ạt. “Bước đầu chúng tôi tham gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi, sau đó tùy theo diễn biến thị trường sẽ quyết định đầu tư vào phân phối thực phẩm sạch, hình thành chuỗi 3F: Feed - Farm – Food” - ông Dương chia sẻ.

Theo ông Dương, trong mảng chăn nuôi, Hòa Phát đã nhập gần 3.000 lợn giống dòng cụ kỵ thuần chủng từ Đan Mạch về nuôi tại các trang trại khắp cả nước. Mục tiêu đến 2020 sẽ đạt 1 triệu đầu lợn thương phẩm ra thị trường dự kiến vào năm 2018. Ông Dương khẳng định: “Thực phẩm sạch đang là nhu cầu bức thiết và Hòa Phát sẽ đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng”.

Xuất phát từ một DN chuyên về sản xuất ôtô, Công ty Trường Hải Auto (THACO) cũng công bố sẽ đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là lĩnh vực lúa gạo. Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc THACO chia sẻ, nông nghiệp Việt Nam hiện tại không thể tiếp tục phát triển nếu không có mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Hơn nữa, cái khó của nông nghiệp nước ta hiện nay là không có các ngành khác “kiếm ra tiền” để bù lỗ cho nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp Việt Nam rất cần những đơn vị có vốn, có khả năng tổ chức, quản trị tốt… để dấn thân vào nông nghiệp. Từ đó, tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.

“Rất nhiều người khuyên tôi không nên làm lúa nhưng tôi nghĩ đã dấn thân phải chọn cái khó để làm và tôi quyết định sẽ làm lúa” - ông Dương tiết lộ.

Theo nhận định, sản xuất lúa gạo tại các tỉnh miền Nam hiện đã khá bài bản. Ngược lại, các tỉnh miền Bắc còn chưa có được những mô hình hiệu quả cao. Vì vậy, ông Dương chọn một tỉnh ở miền Bắc để xây dựng mô hình cánh đồng lúa chuẩn. THACO sẽ xây dựng nhà máy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp giống cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, THACO sẽ hợp tác xây dựng Tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch, chế biến lúa gạo.

DN sẽ là yếu tố then chốt để tái cơ cấu nông nghiệp

Ưu tiên cho DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

“Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ KHĐT, Bộ NNPTNT đang phối hợp các bộ, ngành liên quan trong một thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mới. Bên cạnh đó, những “nút thắt” khác như: Đất đai, tín dụng và ngân hàng… cũng sẽ được tháo gỡ”.

(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường)

Trong thời gian qua, Chính phủ, cùng các bộ, ngành đã ban hành một loạt các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp như Nghị định 210 của Chính phủ và mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý dành gói tín dụng từ 50.000-60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để các DN đầu tư vào nông nghiệp.

Cũng trong năm 2016, nhiều cuộc đối thoại giữa Nhà nước với DN đầu tư vào nông nghiệp đã được diễn ra, điển hình như Diễn đàn xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 18.12.2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút được gần 500 DN tham dự và tại đây đã có nhiều DN tuyên bố sẽ đầu tư vào nông nghiệp. Sau đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đầu tư vào nông nghiệp.

Trước đó, ngày 5.12.2016, Bộ trưởng Bộ NNPTT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng có buổi đối thoại với gần 100 DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp. Tại đây, Bộ NNPTNT và VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác về việc cùng thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp.

TS Ngyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết: “Xu hướng đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây đó là một số DN lớn, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp tạo ra làn sóng mới, trào lưu mới được các DN khác quan tâm. Ngành nông nghiệp hiện nay được toàn xã hội quan tâm từ câu chuyện tái cơ cấu, cho đến câu chuyện đổi mới tăng trưởng. Chúng ta ngày càng nhận thấy rõ nét DN là động lực quan trọng đóng vai trò hạt nhân để dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tiếp theo đây, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp sẽ như thế nào, với xu hướng đầu tư mới đang hình thành trong thời gian gần đây, nếu chúng ta tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo ra những hỗ trợ như đảm bảo quyền tài sản, đảm bảo quyền hợp đồng, tháo gỡ thủ tục… thì các DN sẽ vào.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì đánh giá: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp, đến người nghèo cao như hiện nay khi hàng loạt DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Ông Cường cũng gọi đây là sự “bùng nổ”, với sự chung lòng, chung sức từ Chính phủ đến các địa phương và cả hệ thống chính trị.

“Có người hỏi tôi, làm nông nghiệp có giàu không? Chúng tôi khẳng định làm nông nghiệp nếu bài bản, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, có thị trường đầu ra ổn định… thì rất giàu. Nhật Bản, Hà Lan, Israel… thu nhập đầu người ở khu vực nông nghiệp rất cao. Như Hà Lan thu nhập bình quân đầu người là 58.000 USD/năm thì thu nhập người nông dân là 55.000 USD” - Bộ trưởng Cường nói.