LTS: Tết Nguyên đán thường đồng nghĩa với sum họp, lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy”, sắm sửa, bày biện thể hiện sự sung túc, ấm no. Nhưng nhiều năm gần đây, không ít người đi du lịch “đón Tết” ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, Tết mà không quây quần với bố mẹ, không cúng lễ gia tiên là bất hiếu, là “mất gốc”. Nên hay không nên đi du lịch vào dịp Tết? Ngày Tết có phải nặng cúng lễ mới đủ thành tâm? Báo Dân Việt xin chia sẻ với bạn đọc những chuyện vui buồn xung quanh việc đón Tết ở nhà hay đi du lịch.
25 tháng Chạp, khi mọi người vẫn còn đang tất bật với công việc cuối năm thì vợ chồng nhà chị Nguyễn Thị Hồng (Đông Ngạc – Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đã tất tả chia nhau về Tết nội, Tết ngoại để 26 Tết cả gia đình bắt đầu khởi hành chuyến du lịch Tết xuyên Việt đã chuẩn bị cả năm nay.
Chị Hồng cho biết, đi ăn Tết xuyên Việt là ý tưởng của nhóm bạn thân cùng công ty của chồng. Theo kế hoạch 3 gia đình sẽ thuê một chiếc xe tự lái 16 chỗ rồi thay nhau lái. Lịch xuất phát bắt đầu từ 26 Tết đến hết mùng 5, đi đến đâu ăn Tết đến đó. Điểm xuất phát tại Hà Nội và điểm đến cuối cùng là mũi Cà Mau.
Nhà chồng chị Hồng ở Quảng Ninh, nhà ngoại ở Hải Dương, chính vì vậy mà các năm trước, năm nào vợ chồng con cái cũng rồng rắn “1 chốn 4 quê” khá mệt mỏi.
“Tết được nghỉ có 8 ngày phải phân chia nhau nội vài ngày, ngoại vài ngày rồi còn lên Hà Nội để làm lễ, thăm hỏi hàng xóm, khu phố. Chính vì vậy mà năm nay vợ chồng quyết định đi du lịch. Trước là để thay đổi không khí, sau là để con cái có được những trải nghiệm mới về Tết ở các vùng miền. Mấy năm rồi, cả nhà cũng không có được một kỳ nghỉ nào dài ngày để đi du lịch” – chị Hồng nói.
Nhiều gia đình trẻ chọn đi du lịch vào dịp Tết. Ảnh minh hoạ IT
Cũng theo chị Hồng, lúc đầu, khi nói ý định Tết sẽ đi du lịch, hai bên nội, ngoại “sốc” lắm: “Ông bà nội còn giận mấy tuần liền, gọi điện về không nghe máy rồi nói “dỗi” rằng: “Con cháu giờ là người phố rồi không thích về quê ăn Tết nữa”. Nghe ông, bà nói vậy vợ chồng cũng chạnh lòng lắm, nhưng rồi sau thuyết phục mãi ông bà cũng xuôi xuôi.
“Bà ngoại ở một mình (ông đã mất) nên năm nay cũng động viên bà đi chơi cùng cả nhà luôn. Ban đầu bà cũng áy náy lắm, nhưng vợ chồng tôi nói sẽ về trước đi thăm hỏi họ hàng, làm mâm cúng bố rồi mới đưa bà đi du lịch, nên và cũng xuôi. năm nay cũng 64 tuổi rồi, cả đời chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, muốn cho bà đi một lần cho biết” – chị Hồng kể.
Khi được hỏi, bà Phạm Thị Hoa (mẹ chị Hồng) bày tỏ: "Trước đây tôi cũng rất phản đối chuyện Tết nhất con cái không thèm về quê sum vầy, thắp hương cho ông bà ông vải. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cả năm các con làm việc quần quật, Tết nhất được nghỉ mấy ngày cũng nên cho các con nghỉ ngơi. Bây giờ ở quê nghĩ cũng thoáng hơn rồi. Cả đời còn nhiều cái Tết, một năm không về cũng không sao"
Trong khi đó, chị Lê Phạm Phương Thảo - là giáo viên (ở Tây Hồ - Hà Nội) cả tháng nay cũng lên các diễn đàn cha mẹ, dạy con tìm người để lập đội đi du lịch xuyên Việt trong dịp Tết.
Chị cho biết, mới đây đã có 2 gia đình ở Thạch Thất và Cầu Giấy đồng ý đi cùng, các gia đình đã gặp nhau để cùng lên kế hoạch: "Các con tôi nghe ý định này rất hào hứng, chúng háo hức muốn tìm hiểu Tết ở mọi miền tổ quốc có gì khác với Hà Nội hay ở quê mình không? Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm ngày Tết xách vali lên đường nên bất đắc dĩ phải tìm nhóm lập đội cùng đi qua mạng" - chị Thảo nói.
Để chuẩn bị chuyến đi dài ngày, không chỉ lo về Tết nội, Tết ngoại vợ chồng chị còn phải mua sắm, chuẩn bị rất nhiều thứ mang theo: đồ ăn, thuốc men, tiền bạc, giấy tờ, thậm chí cả... bài tập sách vở cho các con tranh thủ ôn bài những lúc rảnh rỗi.