Tôi làm dâu ở phố cổ Hà Nội. Theo mẹ chồng tôi thì nề nếp gia phong từ xa xưa của gia đình, Tết Nguyên đán phải được chuẩn bị, chăm chút tỉ mỉ thì mới thành tâm, gia tiên mới đẹp lòng và cha mẹ, con cái mới được phù hộ may mắn. Ngoài ra, khách khứa, họ hàng đến chơi, nhìn vào việc bày biện trang trí Tết, mâm cơm Tết mà đánh giá về nề nếp gia đình, ngợi khen.
Để có được “sự đánh giá” cao của mọi người, ngay từ đầu tháng chạp, tôi đã phải “lăn” ra lau dọn, giặt dũ rèm cửa, đánh lại ghế da, giặt đệm, lau tỉ mỉ từng khe cửa, góc tủ. Chỉ riêng lau dọn bàn thờ cũng mất đứt hai ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật của tôi. Không chỉ lau dọn, giặt lại hoa nhựa mà còn phải đánh sạch bong từng lư hương bằng đồng và đôi hạc thờ. Pho tượng Phật bằng đá trên bàn thờ còn phải được “tắm” bằng rượu. Dọn xong, đôi tay tôi luôn nhức mỏi.
ôi đã quá oải với Tết. Ảnh minh hoạ IT
Mẹ chồng tôi cũng tự tay gói giò, gói bánh chưng nên độ 15 Tết sau khi tưng bừng cúng rằm là tôi lại phải đi lựa từng chiếc lá dong, lá chuối. Rồi mua thịt về tự giã làm giò nạc, thái thịt xào xáo để gói giò mỡ. Lá dong cũng được tỉ mỉ rửa sạch, cắt vuông góc ngay ngắn, lạt cũng phải đảm bảo mềm, mỏng, dai… Món măng cũng cầu kỳ từ ngâm măng, luộc mất vài ngày. Rồi thịt kho tàu, cá nướng, chả cốm, canh bong… Mẹ chồng tôi luôn yêu cầu cỗ cúng Tết phải ít nhất đủ 4 bát, 6 đĩa bao gồm bát măng, bát bóng xào, canh miến, canh mọc, 6 đĩa gồm: thịt già, giò, nem, xôi, bánh chưng, dưa muối, thịt kho tàu hoặc cá nướng… Cũng suốt từ 30 Tết, giao thừa đến hết mùng 3 Tết, một ngày 3 bữa. Mà cỗ bàn lúc nào cũng phải làm mới, nóng sốt… Vì thế, tôi vừa dọn xong cúng sáng lại bắt đầu làm cơm cúng trưa. Nhà chỉ có hai “nàng dâu” là mẹ chồng và tôi, tôi càng không thể “nhường việc” cho mẹ chồng.
Tôi chỉ kể đã thấy chóng mặt. Chính vì vậy mà ngày Tết tôi chỉ “chổng mông” trong bếp, liên tục lau dọn, nấu nướng. Suốt 15 năm nay, vào giờ khắc giao thừa, khi các thành viên trong gia đình ra ngoài đón Tết, chúc tụng lẫn nhau thì tôi không ở bếp để dọn nốt thì cũng là trong nhà vệ sinh để tắm rửa. Tết với tôi chỉ là sự ám ảnh trong mùi dầu mỡ còn lưng thì còng rạp.
Vì thế tôi ghét Tết, tôi muốn được giải phóng khỏi “mâm cao cỗ đầy”, muốn được đi du lịch ngày Tết. Tôi nhìn nhiều gia đình dẫn nhau đi du lịch mà thấy họ sung sướng làm sao. Tôi mong ngày Tết phải được vui chơi thoải mái, phải được diện quần áo đẹp, trang điểm xinh để hưởng thụ mùa xuân. Quanh năm suốt tháng đã ở với bố mẹ, sáng sáng, chiều chiều ăn cơm, trò chuyện với nhau còn chưa đủ “hiếu” hay sao? Tôi ước bố mẹ chồng có thể hiểu được để “giải phóng” cho tôi, để tôi “rộng cẳng” đi du lịch.
Tết Nguyên đán thường đồng nghĩa với sum họp, lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy”, sắm sửa, bày biện thể hiện sự sung túc, ấm no. Nhưng nhiều năm gần đây, không ít người đi du lịch “đón Tết” ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, Tết mà không quây quần với bố mẹ, không cúng lễ gia tiên là bất hiếu, là “mất gốc”. Nên hay không nên đi du lịch vào dịp Tết? Ngày Tết có phải nặng cúng lễ mới đủ thành tâm? Báo Dân Việt xin chia sẻ với bạn đọc những chuyện vui buồn xung quanh việc đón Tết ở nhà hay đi du lịch. |