Dân Việt

Nhọc nhoài vì "chạy sô" nội ngoại, tôi chỉ ước vứt Tết đi du lịch

Tôi gần như đón Tết “trên từng cây số” nhưng không phải đi du lịch, vui chơi mà phải chạy đủ các quê, thăm cô dì, chú bác..

Tôi lấy chồng đến nay là tròn 6 cái Tết, đã có hai con 1 đứa 5 tuổi, 1 đứa 3 tuổi. Giống như 5 Tết trước, tôi lại tất bật chuẩn bị cho hành trình “chạy sô” Tết. Quê tôi ở Tuyên Quang, vì thế 25 Tết, hai vợ chồng và hai con sẽ về ngoại để biếu Tết bố mẹ tôi và thắp hương các cụ, tranh thủ thăm cô dì, chú bác đằng ngoại sống rải rác mấy huyện ở Tuyên Quang. Đến sáng 29 Tết, cả nhà bồng bế nhau Hà Nội để làm cỗ cúng và thắp hương cho gia đình ở Hà Nội. Ngày 30 lại dạy sớm để chuyên chở nhau về Nghệ An thăm nhà nội.

Chưa dừng ở đó, nhà chồng tôi ở Nghệ An nhưng người gốc Quảng Trị, vì thế, đến mùng 2 Tết, cả nhà lại bầu đoàn thê tử về nhà thờ tổ ở Quảng Trị để thắp hương nhà thờ tổ. Bố chồng tôi là con trưởng trong 1 chi “quan trọng” (là tôi nghe mẹ chồng tôi nhấn mạnh vậy) nên dù trời mưa rét hay ấm áp thì chồng tôi – cháu trưởng- nhất định cũng phải về nhà thờ tổ thắp hương, thăm hỏi, lễ lạt các cụ tiền bối. Trên đường, hai vợ chồng còn phải “tạt ngang tạt ngửa” để thăm hỏi họ hàng. Bên ngoại thì lễ lạt còn đỡ. Bên nội, tôi phải chuẩn bị sẵn từng túi quà, với giá trị tiền tùy theo “bề bậc”. Ví như bố mẹ chồng tôi thì cành đào, cây quất, giỏ quà và dăm triệu tiền mặt, kèm theo quần áo mới. Các em trai, gái cũng được túi quà Tết có mứt, rượu, bánh kẹo, kèm theo “hàng độc” ở thành phố, tùy từng năm để đổi.

img

Tôi phát ốm vì Tết. Ảnh minh hoạ IT

Các cô dì, chú bác thì cũng phải có hộp mứt, chai rượu rẻ tiền hơn 1 chút. Các em họ ít nhất cũng hộp bánh… Cứ thế mà rải. Con xe 7 chỗ của cả hai vợ chồng chất ngổn ngang các túi quà lớn bé. Tôi thực sự thấy quá cực nhọc với Tết, vừa mệt mỏi, vừa quá tốn kém. Đường xá cũng đông đúc nên nhiều lần tôi “đau tim” vì va chạm. Hai con tôi khá khỏe mạnh, không say xe nhưng hầu như cứ Tết xong là ba mẹ con đều ốm lăn lóc, gầy sọp vài cân.

Tuy nhiên, khi tôi kiến nghị nên về quê vào dịp trước Tết còn Tết ở nhà nghỉ ngơi, chơi gần hoặc đi du lịch. Vì bố mẹ tôi thì cả năm có khi chỉ gặp 1-2 lần còn bố mẹ chồng tôi lên Hà Nội ở với vợ chồng tôi, giúp trông cháu 5-7 tháng. Họ hàng có việc gì cũng về quê mỗi năm không dưới chục lần. Nhưng chồng tôi kịch liệt phản đối. Anh ấy cho rằng cả năm mới có vài ngày để “trả lễ” bố mẹ, ông bà, tổ tiên thì không thể vắng mặt. Việc đi du lịch ngày Tết là nhố nhăng, lai căng. Nếu tôi muốn đi du lịch thì đi một mình, còn chồng tôi sẽ mang hai con đi về quê nội?

Tôi thực sự ớn Tết, tôi rất ủng hộ việc đi du lịch ngày Tết. Nếu cứ nghĩ  5-7 ngày Tết phải thắp hương, cúng lễ tổ tiên, tặng quà bố mẹ mới là hiếu đễ thì 360 ngày còn lại không cần phải có hiếu hay sao? Trong khi đó, chỉ có ngày Tết mới được nghỉ 5-7 ngày, vợ chồng con cái có thể tranh thủ đi du lịch, hâm nóng tình cảm. Nếu cứ vì lễ tết mà vợ chồng xung đột, mệt mỏi, cãi cọ nhau thì sum họp, vui vầy ngày Tết chỉ là “cái vỏ” mà thôi.

Tết Nguyên đán thường đồng nghĩa với sum họp, lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy”, sắm sửa, bày biện thể hiện sự sung túc, ấm no. Nhưng nhiều năm gần đây, không ít người đi du lịch “đón Tết” ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, Tết mà không quây quần với bố mẹ, không cúng lễ gia tiên là bất hiếu, là “mất gốc”.  Nên hay không nên đi du lịch vào dịp Tết? Ngày Tết có phải nặng cúng lễ mới đủ thành tâm? Báo Dân Việt xin chia sẻ với bạn đọc những chuyện vui buồn xung quanh việc đón Tết ở nhà hay đi du lịch.