Dân Việt

Văn Quyến lọt tốp "thần đồng" đáng tiếc nhất làng túc cầu

PV 22/01/2017 18:12 GMT+7
Trong những thần đồng bóng đá thế giới sớm chìm vào quên lãng một cách đáng tiếc nhất, Việt Nam có một. Người đó chính là Văn Quyến.

Freddy Adu (sinh năm 1989)

Tiền đạo người Mỹ gốc Ghana này từng ký hợp đồng thi đấu với DC United khi mới 14 tuổi. Ngày đó, anh thậm chí còn là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử có được hợp đồng chuyên nghiệp tại nước Mỹ, được coi là hình mẫu cho sự phát triển của bóng đá nước này. Anh đã hai lần có tên trong đội hình All-Stars của giải bóng đá nhà nghề MLS, và được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột đội tuyển Mỹ tại các kỳ World Cup.

img

Adu (giữa, trong ảnh) cũng từng thử việc ở M.U, trước khi gia nhập Benfica hồi năm 2007. Nhưng cũng từ đó, sự nghiệp của Adu nhanh chóng xuống dốc khi không thành công ở bất kỳ nơi nào anh tới, từ Monaco, cho tới các CLB vô danh như Belenenses, Aris, Caykur Rizespor, Philadelphia, Bahia, và mới nhất là Jagodina. Ở tuổi 25, anh đang thất nghiệp, sau khi bị đội bóng của Serbia kết thúc hợp đồng hồi tháng 12 năm ngoái. Thực ra, từ lâu mọi người đã nhận thấy rằng tài năng của anh đã sớm bị thổi phồng. Anh có lẽ cũng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong số những thần đồng bóng đá không bao giờ lớn.

Phạm Văn Quyến (Sinh năm 1984)

Văn Quyến sinh ngày 29 tháng 4 năm 1984 tại Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An. Năm 1996, đoàn bóng đá Sông Lam tuyển lớp bóng đá nghiệp dư, anh được nhận vào luyện tập. Năm 1999, khi đội Sông Lam Nghệ An tham gia giải bóng đá U16 toàn quốc và giành huy chương bạc, Phạm Văn Quyến trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải. Năm 2000, anh được gọi vào đội tuyển U16 quốc gia.

img

Năm 2002, anh được gọi vào đội tuyển U20 quốc gia dự vòng loại U20 châu Á. Năm 2003, ba tháng liên tục anh được bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất trong giải bóng vô địch quốc gia Việt Nam. Tới 2004, anh được gọi vào đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22. Ở giải đấu này, anh đã ghi được nhiều bàn thắng quan trọng và trở thành cầu thủ được nhắc đến nhiều nhất.

Sau những bê bối liên quan đến việc nhận tiền để làm thay đổi kết quả trận đấu gặp Myanmar của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 23. Văn Quyến trở lại sân cỏ sau án treo giò của VFF từ năm 2009. Anh chủ yếu phải ngồi dự bị ở các CLB nhờ thương hiệu của mình, nhưng vẫn chỉ nhận được những khoản lương ít ỏi. Những tưởng đây sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp chơi bóng của Quyến nhưng anh vẫn tích cực tham gia các giải đấu phong trào để tìm lại cảm giác chơi bóng. Dù vậy, sau khi lấy vợ, Quyến làm kinh doanh và chỉ còn “đá vui” ở những giải phủi khi có lời mời.

Cherno Samba (sinh năm 1985)

Tiền đạo người gốc Gambia từng là niềm hy vọng của làng bóng đá Anh, khi anh góp mặt trong thành phần của tất cả các đội trẻ của quốc gia này, từ U16 cho tới tận lứa U20. Khi còn là cậu bé 13 tuổi ở học viện bóng đá St. Joseph’s Academy, Samba đã ghi được tới 132 bàn trong chỉ 32 trận đấu. Tuy nhiên, sau đó anh đã quyết định thi đấu cho đội tuyển quốc gia Gambia, với lần ra mắt năm 2008, do cảm thấy không có cơ hội được gọi vào đội tuyển Anh. Samba thậm chí từng được Liverpool quan tâm mời thử việc hồi trẻ, và HLV Gerard Houllier đã có lời đề nghị chuyển nhượng nhưng bị Millwall từ chối.

img

Tuy nhiên, anh cũng chỉ là một trong những ngôi sao mới vừa lóe sáng đã nhanh chóng vụt tắt. Anh bị CLB địa phương Millwall đẩy đi vào năm 2004 khi chưa có trận nào được chơi ở đội một, phải chấp nhận thử sức tại các đội hạng thấp hơn ở Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Phần Lan. Sau khi tiếp tục mờ nhạt ở các đội vô danh như Cadiz, Malaga B, Plymouth, Wrexham, FC Haka, Panetolikos, cầu thủ này cập bến FK Tonsberg ở giải hạng Nhì của Na Uy năm 2012. Hiện giờ, anh là cầu thủ thất nghiệp. Trong màu áo tuyển Gambia, anh cũng chỉ được tham gia bốn trận, ghi đúng một bàn.

Michael Johnson (Sinh năm 1988)

Cầu thủ này ra mắt giải Ngoại hạng Anh vào năm 2006 ở tuổi 18, trong màu áo Man City. Tiền vệ này từng là thành viên của các đội trẻ lứa U16, U19 và U21 của Anh. Từng có thời anh được truyền thông và người hâm mộ xứ sương mù kỳ vọng sẽ có một tương lai vĩ đại, nhưng điều đó chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Chấn thương đầu gối dai dẳng được coi là một nguyên nhân cản trở bước tiến sự nghiệp của cầu thủ này. Số lần được góp mặt trong đội một của anh tại Man City thưa dần, và kết thúc sau khi tỷ phú Sheik Mansour đổ tiền vào để biến CLB này thành một đội bóng nhiều sao.

img

Tháng 12.2012, Man City mới kết thúc hợp đồng với Johnson, nhưng trên thực tế lần ra sân cuối cùng của anh tại CLB này đã diễn ra từ hơn ba năm trước đó. Sau bảy trận cố cứu vãn sự nghiệp tại Leicester City nhưng không thành công, anh đã rời xa bóng đá. Hiện tại Johnson là chủ một nhà hàng ăn, và điều hành một đại lý bất động sản.