Ông Phạm Viết Hương cho biết, năm 2016, chúng ta đã đưa 126.296 lao động (mục tiêu chỉ 100.000 lao động) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2017, kế hoạch là 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức theo các chương trình đã ký kết.
Chú trọng hơn về đào tạo
Lao động điều dưỡng viên học định hướng trước khi sang Nhật Bản làm việc (Ảnh: T.L).
“Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 là rất lớn, đặc biệt là đối với những người sở hữu chuyên môn cao. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường” - ông Hương nói.
Như vậy, đây có phải là thời của lao động chất lượng cao, thưa ông?
- Với những yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác, chất lượng đã và đang là yếu tố ngày càng quan trọng trong thị trường XKLĐ ngoài nước. Đáng chú ý, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2014, số lao động ra nước ngoài làm việc ở mức trên 100.000 người và liên tục tăng. Trong các thị trường lao động ngoài nước, Nhật Bản được xem là điểm sáng của XKLĐ Việt Nam vì đây được coi là thị trường rất khó tính nhưng số lao động Việt Nam sang Nhật làm việc đã tăng lên gần 40.000 người trong năm 2016, so với 27.000 người trong năm 2015, đánh dấu bước chuyển biến về chất lượng của lao động Việt Nam trong năm vừa qua.
Dù số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã tăng đều trong 3 năm trở lại đây nhưng một vấn đề quan trọng được đặt ra là các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề lao động cao. Đặc biệt là các thị trường có mức lương khá, cao như Nhật, Hàn Quốc, Đức…
Với xu hướng như vậy, người lao động lẫn các doanh nghiệp phải làm gì?
- Với sự thay đổi trên, người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như: Ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp… Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực XKLĐ cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cục sẽ phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng chính sách xã hội. Nghiên cứu, hoàn thiện đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025” trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng kiểm tra các doanh nghiệp XKLĐ
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, không kiểm soát được chất lượng lao động cũng như việc doanh nghiệp thu tiền cao hơn quy định?
- Hiện nay, theo quy định, các doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức tuyển chọn lao động hoặc phối hợp Ban chỉ đạo XKLĐ các địa phương, Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc các Sở LĐTBXH, các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để giới thiệu các hợp đồng tuyển người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cung cấp thông tin về các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến và tư vấn cho người lao động.
Thực tế, một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với chính quyền địa phương đã giúp tăng cường công tác quản lý hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn, bước đầu hạn chế được hiện tượng người lao động phải thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian, giảm được chi phí cho người lao động và giúp các doanh nghiệp tuyển chọn được lao động có nhân thân tốt đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp doanh nghiệp giao nhiệm vụ vượt quy định cho chi nhánh, trung tâm đào tạo. Để hạn chế tình trạng nêu trên Bộ LĐTBXH ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ) cũng như các điều kiện cụ thể của hợp đồng cung ứng lao động; yêu cầu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động để đảm bảo chất lượng lao động; thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng. Cục phối hợp thanh tra Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhằm phát hiện các sai phạm, đặc biệt là các sai phạm về việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại nước ngoài sẽ được thực hiện như thế nào?
- Trước hết, các doanh nghiệp phải phối hợp các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi.
Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ảrập Xêút, UAE) có các Ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có Ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Xin cảm ơn ông!