Mỗi năm phải tổ chức một lần
Người Mông ở xã Bản Già, huyện Bắc Hà (Lào Cai) thường tổ chức cúng rừng vào khoảng tháng 2 âm lịch. Theo cha ông truyền lại, làm lễ phải chọn ngày con rồng trong tháng bởi đây là ngày đẹp nhất, đem lại vượng khí nhiều nhất.
Lễ cúng rừng của đồng bào Mông ở huyện Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: L.S
Lễ vật dùng trong nghi thức cúng rừng gồm một gói xôi màu, một đồng bạc trắng, trà thơm, rượu ngon cùng giấy tiền vàng mã được bà con quyên góp, chuẩn bị từ trước. Vật hiến sinh cho thần rừng, ngoài một con lợn béo, bà con ở xã Bản Già còn chuẩn bị thêm 7 con gà cùng một con chó.
Sáng sớm ngày diễn ra nghi thức, bà con bày biện lễ vật trên một chiếc bàn dài, đặt cạnh cây cổ thụ cao, to nhất trong khu rừng thiêng. 9 người đàn ông khỏe mạnh dắt theo gà, chó, lợn đứng trước bàn, mỗi người cầm theo một ống hương, một nắm giấy vàng. Thầy cúng bước lên cất tiếng khấn xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng mạnh khỏe, bình an, lúa ngô đầy bồ, trâu bò, gà lợn đầy sân…
Khấn xong, thầy cúng đem giấy vàng đi hóa. Các con vật hiến sinh cũng được mổ và chế biến ngay tại chỗ. Bà con lý giải, hóa kiếp tại chỗ như vậy, thần rừng mới nhận được hồn của vật hiến sinh. Nếu mổ sẵn từ nhà mới đem làm lễ, thần rừng chỉ hưởng được hương hoa của lễ vật. Thịt lợn, gà, chó chế biến xong được bày lại lên chiếc bàn dài. Thầy cúng khấn lại một lần, nội dung đại ý gần như bài khấn đầu tiên. Sau đó, thầy cúng xẻ thịt 7 con gà, cắt lấy phần cẳng chân ra xem điềm tốt điềm xấu rồi thông báo cho bà con.
Với người Mông, rừng thiêng là khu vực người dân trong và ngoài bản quanh năm không được vào khai thác, chặt phá. Riêng hôm tổ chức cúng rừng, thầy cúng mở cửa rừng cho bà con vào thu lượm sản vật, lấy củi...
Cấm chặt cây, lấy củi
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), người Mông xưa canh tác theo kiểu luân khoảnh, tức là khi mảnh nương cũ bạc màu, bà con lại phát một khoảnh rừng mới để trồng cấy. Đến lúc mảnh nương mới không còn canh tác được, bà con quay lại mảnh nương cũ, cây cối đã xanh tươi và đất đai màu mỡ trở lại. Nhưng riêng những mảnh rừng được coi là đất thiêng, được bà con gìn giữ đời này qua đời khác.
Về mặt xã hội, lễ cúng rừng tạo ra, củng cố các liên kết xã hội trong nội bộ dân làng vì thường lễ cúng rừng là người làng khác không được phép đến. Ai lỡ đến đó trước có việc mà chưa giải quyết xong việc, trong 3 ngày đó cũng không được phép ra khỏi làng”. Tiến sĩ Mai Thanh Sơn |
“Người Mông cho rằng mảnh đất nào cũng có một vị thần cai quản. Do vậy khi họ đi đâu lập làng mới, thầy mo cũng sẽ mời ông thần ở đấy về làm thần bản mệnh cho làng. Và người ta thờ luôn ông thần đấy trong rừng cấm” – ông Sơn cho hay.
Khu rừng thiêng ấy, về mặt ý nghĩa tâm linh thì đấy là nơi trú ngụ của thần bản mệnh của làng. Trong thực tiễn, khu rừng ấy đảm bảo cho làng có nguồn nước sinh hoạt thường xuyên. Việc bảo vệ trên thực tế, nếu chỉ dựa vào các ý nghĩa thực tiễn rất khó, nên người ta buộc phải “thiêng hóa” nó. Khu rừng ấy cấm khai thác hàng ngày với người trong cộng đồng và các thôn làng khác, luôn được bảo vệ rất chặt chẽ.
Có lẽ đó là lý do mà trong cộng đồng người Mông ở xã Bản Già nói riêng, hay huyện Bắc Hà nói chung, bà con thường truyền tai nhau những câu truyện về người này người nọ vào rừng cấm chặt cây, bẻ cành, làm điều bậy bạ, về sau nếu không bệnh tật cũng làm ăn lụn bại. Đặc biệt là trong 3 ngày làm lễ cúng rừng, nếu làm động đất thiêng, cả thôn, cả làng sẽ gặp tai ương.
Ông Thào Seo Dìn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Già cho hay: Cúng rừng xong, trong 3 ngày, không ai được chặt lá xanh, không được đào đất. Nếu động lá cây lung tung, chặt rừng, một trận gió sẽ quét rừng hỏng hết, đổ hết. Cúng xong là triển khai với dân luôn, năm đấy phải bảo vệ rừng thật tốt, không được ai đi chặt phá rừng, không ai đi ăn trộm, không ai chặt cây xanh trên rừng để giữ nguồn nước.
Nhờ những luật tục và những câu truyện thần thánh hóa như vậy mà đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Hà, ngoài những tràn ruộng bậc thang cùng nương rẫy vẫn còn nhưng vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, đảm bảo nguồn nước cho bà con.