Dân Việt

Ước vọng đầu xuân của nhà nông

Lê San 28/01/2017 06:30 GMT+7
Năm Bính Thân 2016 đi qua với không ít khó khăn, bất lợi cho nhà nông về thời tiết, về biến động giá cả vật tư đầu vào, về đầu ra nông sản chưa ổn định... Với những người quanh năm chân lấm tay bùn, ước mong cho năm mới, ngoài mưa thuận, gió hòa là tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, là sản xuất ra những sản phẩm an toàn, hướng tới tiêu thụ lớn...

Câu chuyện ước vọng đầu xuân Đinh Dậu 2017 mà phóng viên NTNN đặt ra được bắt đầu từ chị Lê Thị Mùi – chủ trang trại Kiến Vàng ở thôn Đông Bình, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Điều ước nhỏ nhất chị mong là việc trồng trọt được thuận lợi, hàng hóa không ế ẩm, không bị mất cắp mất, mất trộm.

“Đặc biệt ước sang năm mới nông dân như tôi được nâng cao nhận thức, có ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe hơn. Những người làm công tác tổ chức, chuyên môn sẽ có định hướng để dân biết áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch, an toàn. Vì khi người nông dân canh tác không an toàn, họ và gia đình là những người gánh hậu quả đầu tiên qua việc phun thuốc trừ sâu, ô nhiễm nguồn nước ăn ở, sinh hoạt, chai sạn đất… chứ không phải như mọi người nghĩ họ không ăn không chết” – chị Mùi cho hay.

img

Nông dân thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch cam.  Ảnh: Thu Hà

Tôi cũng trăn trở và ước mong nhà nước có những giúp đỡ, bảo hộ, tiện lợi trong đăng ký bản quyền tác giả cho các sáng tạo của những người nông dân; đồng thời khích lệ họ phát huy nội lực, tiếp tục tạo ra những sản phẩm hay, thiết thực hơn”.

Ông Trần Văn Hát

Năm mới, chị Mùi cũng ước cho những nông dân đang cộng tác với mình có gia đình yên ấm, hòa thuận, quanh năm mạnh khỏe; mong họ sẽ làm chủ kinh tế, không quá lo lắng khổ sở, thiếu thốn tiền nong. “Ước sao càng ngày càng có nhiều trí thức, nhà khoa học dành thời gian, tâm sức cho ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh nước nhà, hỗ trợ công ăn việc làm cho người nông dân, và đem kiến thức có được vào phát triển nông nghiệp sạch” - chị Mùi bày tỏ.

Về bản thân mình, chị Mùi khao khát sẽ có thêm kinh phí, có sự ủng hộ, để đem sách tới từng lớp học ở khu vực mình sống, để con cái các nông dân có sách để học, để đọc, từ đó biết sống có ích, giảm bớt tệ nạn xã hội, yêu lao động. Có như thế, thế hệ nông dân gia truyền mới bớt khổ, thậm chí có thể làm giàu bền vững được. Làm nông, dù vất vả vẫn có thể tìm ra nguồn vui, và tận hưởng cách sống, thông qua văn hóa đọc.

Anh Trịnh Văn Mười (SN 1974, ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) - người được mệnh danh là “Vua bơ” của Tây Nguyên chỉ mong sao nhiều người nông dân sẽ yêu nghề, sống có tâm, thích đọc sách và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chủ được sản phẩm, thị trường.

“Để có được sản phẩm tốt, bà con nông dân trước khi trồng phải hiểu hết quy trình chăm sóc. Quả bơ là một loại quả được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Nên một khi hình thành được vùng sản xuất hàng hoá phải nghĩ đến cách làm thế nào để ngoài xuất khấu quả bơ tươi, cần phải chế biến ra được nhiều sản phẩm hơn như tinh dầu bơ, bột bơ... Người nông dân sẽ không còn là những người chỉ biết sản xuất, rồi đem bán thô sản phẩm với giá rẻ hơn rất nhiều lần giá trị sản phẩm. Về phần mình, tôi sẽ quyết tâm đi tuyển chọn, lựa chọn những giống chất lượng nhất và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài – anh Mười chia sẻ.

Trong khi đó, nhà sáng chế “chân đất” Trần Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương, người đã chế tạo ra hàng loạt máy móc để giúp nông dân cải tiến năng suất lao động, cho biết ước mơ lớn nhất của anh là nhà nước có hỗ trợ cho nông dân nghiên cứu, cải tiến, hoặc sáng tạo những thiết bị mới để giúp cơ giới hóa, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, phục vụ cộng đồng, thay vì để nhà sáng chế nông dân tự bơi như hiện nay.

“Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang loay hoay tại các phòng thí nghiệm và vật lộn trên bản vẽ nhưng những phát minh của họ vẫn chỉ để trong ngăn tủ, không áp dụng được, dù dày công học hành, đầu tư tiền của. Còn với những người nông dân như chúng tôi bằng kiến thức tự học, bằng nỗi trăn trở thật sự đã chế tạo ra chiếc máy vô cùng thiết thực. Mong muốn của tôi, sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến máy móc để tăng hiệu quả sử dụng, giúp người nông dân nhàn hơn mà giá cả không đổi.