Dân Việt

Bản sắc cộng đồng trong những điều nhỏ bé

Dương Xuân 05/02/2017 06:40 GMT+7
Nhiều địa phương được biết đến từ lâu với những di tích đồ sộ, giàu giá trị văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, những thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch. Hệ thống đình cổ dày đặc ở khu vực Hà Nội đã phản ánh sinh động điều này.

 Những danh thắng như chùa Hương, Yên Tử, núi Ba Vì… là điểm đến giúp những người đến hiểu thêm về những vùng đất. Cùng với đó, nhiều nơi “sở hữu” những lễ hội quy mô lớn hoặc có những nghi thức độc đáo như hội Lim  ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh), lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ, hội Phủ Giày ở huyện Vụ Bản, Nam Định... Hay có những làng quê lưu giữ nghệ thuật ca trù, quan họ, hát xoan, ví giặm…

img

Chương trình Tết Việt tổ chức tại đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: PHAN HUY

Và để tìm hiểu, nghiên cứu đời sống văn hóa, lịch sử các địa phương, các cộng đồng, thường người ta khó lòng bỏ qua những giá trị độc đáo này.

Nhưng ngoài những di sản vật thể như hệ thống di tích – đình, chùa, đền, miếu, cầu, quán, nhà thờ họ, nhà thờ công giáo, cổng làng, giếng làng, cây cổ thụ…, các di sản phi vật thể được coi là có tầm quan trọng với cộng đồng – như lễ hội dân gian, dân ca, ca dao, nghệ thuật diễn xướng, thành ngữ, tục ngữ, nghề truyền thống…, ở nhiều làng quê còn tồn tại, còn được bảo lưu những di sản rất độc đáo. Đó là lời ăn tiếng nói, phương ngữ, âm điệu đặc trưng vùng miền, là các sản vật địa phương, cùng nhiều phong tục, tập quán độc đáo.

Đó là những nét đặc trưng khá riêng của mỗi địa bàn cơ sở, một cộng đồng dân cư, mà nếu thiếu đi, sẽ là một thiệt thòi cho việc nhận diện về cộng đồng đó, cũng như đời sống văn hóa địa phương sẽ phần nào giảm đi sự phong phú, sinh động. Như ở thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, giọng nói, ngôn ngữ của thôn này còn giữ được những nét đặc trưng của gốc gác ông cha là người dân miền Trung ra đây sinh sống nhiều thế kỷ trước. Hoặc tiếng nói của nhiều xã thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, Phúc Thọ… (Hà Nội) còn mang những nét “lạ” so với người vùng khác.

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ở làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa (Hà Nội) quê ông, vào dịp lễ hội truyền thống 12 tháng Giêng, người dân thường làm món xôi oản chấm mật mía, nhiều nhà còn giữ nếp con cái mang lễ là những món ăn, đồ uống giản dị về biếu bố mẹ ngày tết.

Tại nhiều làng quan họ, ngoài những câu ca được biết đến rộng rãi, người dân thường có truyền thống mời bạn bè là người nơi khác về dự hội, vui sinh hoạt ca hát, liên hoan với gia đình...

Việc tuyên truyền để nâng cao ý thức gìn giữ, vận dụng các giá trị văn hóa, di sản vào hoạt động mới, và theo dõi, bám sát để có những tác động tích cực, có thể coi là cả một nghệ thuật mà chính quyền, người làm công tác văn hóa, xã hội… cần khéo léo thực hiện. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền, địa phương, cần giữ gìn, bảo lưu chính những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của các đơn vị, địa bàn cấp thôn, làng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị đã và đang lung lay, mai một trong nhịp sống ồn ào, xô bồ cùng vòng quay làm ăn kinh tế, thì việc nhận ra, lưu giữ, gợi nhớ về chúng càng cấp thiết. Cố nhiên, khó lòng bắt mọi thứ phải bất di bất dịch trước thực tế vận động, tiếp biến, đổi thay của hàng loạt yếu tố văn hóa, xã hội. Những đổi thay này đến từ sự nhập cư của các công dân mới, sự pha trộn của giọng điệu và phát triển ngôn ngữ, sự xuất hiện những ngành nghề mới ở địa phương và sự nở rộ của các hoạt động dịch vụ, cùng với làn sóng giải trí, truyền hình và nhiều hoạt động văn hóa của đời sống mới hôm nay...

Tuy nhiên, giữ lấy những giá trị độc đáo, là nơi kết tụ quan niệm, nguyện vọng và tinh túy của nhiều thế hệ người mỗi cộng đồng, đó sẽ là nền tảng tốt đẹp, là “căn cước văn hóa” cho người dân trong cuộc hội nhập, giao thoa không chỉ với nước ngoài, mà với cả các vùng miền, địa phương khác trong một nước. Đồng thời với việc giữ, là tạo điều kiện để cũ – mới cùng tồn tại, hòa quyện trong một đời sống chung, không cản trở, không áp đặt lên nhau, vẫn khai thác được cái hay, cái đẹp của ngày hôm qua cho thực tại phát triển hôm nay.