Dân Việt

Xuân về trên Xín Mần

Hoàng Thắng 26/01/2017 06:00 GMT+7
Một mùa xuân mới đã về, Xín Mần như cánh đào rừng bung nở giữa đại ngàn mờ sương. Mùa xuân của muôn hoa khoe sắc, của cây cối đâm chồi nảy lộc, của rạo rực lòng người, của cuộc sống ấm no đang thực sự về với Xín Mần.

Xín Mần những ngày vui

Chúng tôi tới Xín Mần những ngày cuối năm, trong tiết trời cuối đông lạnh lẽo. Con đường độc đạo từ Bắc Hà lên thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang chưa đầy 30km nhưng xe ôtô chạy mất gần 2 giờ bởi những khúc cua quanh co ngoằn ngoèo, những cung đường xóc nảy người, một bên là vách đá dựng đứng còn phía đối diện là vực sâu.

img

Nét tươi tắn của các em học sinh Xín Mần tham quan cầu Cốc Pài.  Ảnh: Hoàng Thắng 

Giao thông phát triển, hạ tầng phát triển đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo. Trong nhiều năm liên tục, Xín Mần luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 10%, tỷ lệ giảm nghèo hiện nay theo tiêu chí mới còn khoảng 31,53% (mức giảm bình quân hàng năm trên 8,5%/năm). Thu nhập đầu người đạt hơn 12 triệu đồng/năm.

Song bù lại, trong chuyến đi lần này chúng tôi có thêm một lần được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những ngọn núi quanh năm bao phủ bởi mây mù được điểm xuyết bằng những mảng màu nâu, xen lẫn vàng, xanh của ruộng bậc thang. Rải rác ven đường là những ngôi nhà tường đá hoặc tường trình đắp đất dày cộp, bọn trẻ con chơi đùa hồn nhiên dưới những gốc đào nở sớm, thấy xe ôtô lóc cóc đi qua là lại đồng loạt dừng lại vẫy tay ríu rít.

Vừa bước xuống xe, chúng tôi gặp Xuân Phương - anh cán bộ trẻ phụ trách mảng văn xã của UBND huyện Xín Mần. Anh đùa tôi: “Đi đường chắc mệt lắm hả? Đặc sản của Xín Mần là những cung đường cua và xóc. Nhưng đường như vậy là dễ đi lắm rồi so với chừng vài năm trước, dân phượt mất 3-4 tiếng cho đoạn đường hơn 3 chục cây số đó là thường”.

Lần trở lại này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của Xín Mần hôm nay. Ít ai có thể ngờ, chỉ vài năm trước, nơi đây được biết đến như một huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang, thậm chí nghèo nhất nước. Cuộc sống của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong một thời gian dài luôn trong cảnh đói ăn, thiếu mặc, “khát” chữ…

Vậy mà giờ đây, từ các xã vùng sâu, vùng xa đến trung tâm huyện, nhiều công trình được xây dựng khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện. Những gương mặt sáng trong, những nụ cười no đủ, những ánh nhìn ấm áp… đều dễ bắt gặp khi đặt chân đến Xín Mần.

Hướng đi đúng, cách làm hay và cái tâm trong sáng “Vì sự phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam” của những người lãnh đạo nơi đây đã thực sự phát huy tác dụng. Nói đến Xín Mần, không thể không nhắc đến phong trào “Đại đoàn kết” (ĐĐK), làm đường "ĐĐK”; xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo cũng nhờ ĐĐK, xây bể nước, làm trường học, trạm y tế, đắp đập, đào mương phai dẫn nước... đều nhờ các phong trào ĐĐK toàn dân. Chỉ thời gian ngắn, đồng bào các dân tộc trong huyện đã mở mới 250 tuyến đường giao thông có tổng chiều dài 676,5km. Trong đó, đường loại B là 77 tuyến, dài 310km; đường dân sinh 173 tuyến, dài 366,5km. Xín Mần là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành 186/186 thôn, bản có đường giao thông với trên 70% là đường ôtô đến tận thôn, bản. Phong trào ĐĐK còn giúp xóa hàng ngàn nhà tạm cho người nghèo, cận nghèo; giúp di chuyển và ổn định dân cư ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao trên 970 hộ và làm cả chục km kênh mương dẫn nước tưới tiêu, phục vụ đời sống sinh hoạt cho thấy sự nhiệt huyết và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đã quy tụ được nội lực sức dân để “làm cho dân”.

Đổi thay từ cây cầu Cốc Pài

img

Người dân Xín Mần phấn khởi khi có cầu Cốc Pài. Ảnh: H.T

Cây cầu Cốc Pài vừa khánh thành tháng 11.2016 sau 2 năm xây dựng có thể là chìa khóa mở ra một cánh cửa phát triển cho Xín Mần. Cầu được xây dựng bằng vốn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ, thuộc dự án tín dụng ngành giao thông giai đoạn 2 để xây dựng 76 cầu trên quốc lộ trên toàn quốc, với số vốn vay của JICA là 24.771 triệu yen Nhật, tương đương khoảng 4.700 tỷ đồng Việt Nam.

Nhìn từ xa, cầu Cốc Pài mới dài 337,28m, có trụ cao 65m, được xây kiên cố bằng bê tông cách cầu cũ chừng 60m, được chính quyền huyện Xín Mần định hướng là điểm nhấn để khai thác, thúc đẩy dịch vụ du lịch.

Sau khi cây cầu được đưa vào sử dụng, ông Hoàng Nhị Sơn-Chủ tịch UBND huyện Xín Mần nói: “Cầu mở ra không gian công nghiệp, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội huyện Xín Mần nói riêng và hai tỉnh Hà Giang - Lào Cai nói chung”.

Kỳ vọng vào cơ hội phát triển kinh tế tại huyện Xín Mần nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung, ông Hoàng Nhị Sơn - Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết, địa bàn Xín Mần được bao quanh bởi các đèo cao, suối sâu nên kết nối giao thông với vùng lân cận và khu vực trung tâm rất khó khăn. Trước đây, để kết nối với tỉnh lỵ là TP.Hà Giang (cách 160km), hoặc TP.Lào Cai, người dân phải vượt qua sông Chảy qua chiếc cầu treo cũ, có trọng tải nhỏ, yếu. Việc xây dựng cầu mới giúp cải thiện kết nối giao thông giữa hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai, cũng như giữa huyện Xín Mần và các vùng lân cận.

“Du khách đã đến Xín Mần nhiều hơn, nếu như 6 tháng đầu năm nay lượng khách đến Xín Mần chỉ 9.000 lượt người, thì tới hết tháng 9, lượng khách đã vọt lên đến 16.000 lượt người, trong đó số lượng khách quốc tế gần 2.600 lượt người. Việc cầu Cốc Pài đi vào sử dụng sẽ giúp kết nối huyện Xín Mần với huyện Bắc Hà và cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau này, cây cầu cũng sẽ nối với cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, một cửa khẩu sẽ được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc gia trong năm nay. Từ nay, các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Xín Mần có cơ hội vươn xa”-ông Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Sơn, chính quyền huyện Xín Mần cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng bằng việc tiến hành trồng những cây bản địa dưới chân 2 bên chân cây cầu để xây dựng cảnh quan đẹp hơn. Du khách khi tới đây sẽ được tận hưởng không gian yên tĩnh giữa thiên nhiên hùng vĩ và tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp với người dân, như: bắt cá, hái rau rừng, ngủ nhà sàn và thưởng thức các sản vật.

Những người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những người dân nơi đây. Làm việc chuyên chở thư báo đã 10 năm nay, ông Long Văn Minh hiểu rõ sự vất vả khi phải đi qua những cung đường ngoằn nghèo trước đây sang các bản làng. Với cây cầu mới, hàng ngày, ông tiết kiệm được thời gian đi lại tới gần 1 tiếng đồng hồ so với cây cầu treo cũ cách đó 60m.

Ông Minh nói: “Từ ngày có cây cầu mới, công việc của tôi thuận lợi hơn. Thư, báo và bưu phẩm tới nơi nhanh hơn. Ngoài ra, tôi cũng tiết kiệm được một nửa thời gian mỗi lần phải di chuyển qua cầu”.

Còn đối với em Mã Thị Thiện (9 tuổi, dân tộc Tày), con đường tới trường hàng ngày của em giờ cũng trở nên an toàn hơn. “Trước đây lũ về chúng em rất lo khi qua sông qua suối. Giờ đây cầu mới làm chúng em yên tâm đi học chuyên cần. Bố mẹ em hồi trước phải mang rau quả ra chợ bằng cách cõng hàng hoặc ngựa thồ, thì giờ giao thông đi lại thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian đến chợ, rau quả vẫn tươi ngon, bán được giá hơn” - em Thiện nói.