Cuối năm 2007 lần đầu tiên tôi theo đoàn công tác đi chúc tết ở quần đảo Trường Sa. Và câu chuyện khiến tôi lúc nào cũng thắt lòng khi nghĩ đến, đó là hoàn cảnh của thiếu úy Nguyễn Đức Anh, quê ở thôn 7, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, ra bảo vệ tại đảo Đá Thị.
5 đêm liền mắc võng cùng anh là bằng ấy đêm tôi nghe câu chuyện về vợ và con anh ở quê nhà. Bao giờ anh cũng mở đầu bằng một câu: "Cả nhà tôi đợt này đi ra đảo". Cứ đến câu nói này anh lại nghẹn ngào rồi lau vội nước mắt mới kể tiếp được: “Tôi sinh năm 1977, 2 tuổi thì mẹ mất, bố lấy vợ, tôi ở với mẹ kế cho đến lúc nhập ngũ vào năm 1995. Năm 2001, tôi lấy vợ là cô thôn nữ cùng xóm Mai Thị Thanh. Hai vợ chồng cũng phải chạy chữa mãi đến năm 2004 mới sinh được cháu gái Nguyễn Thị Diệu Linh”.
Cứ tưởng hạnh phúc của anh chị sẽ xuôi chèo mát mái khi cháu Linh chào đời đã nặng 3,8kg. Thế nhưng, sau cả năm chăm bẵm, cháu cũng chẳng lớn hơn là mấy rồi xuất hiện những cơn khó thở. Bế con đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư, vợ chồng anh mới biết con gái mình bị bệnh thông liên thất.
Xót con thắt ruột, vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh cố gắng lắm cũng chỉ cầm cự được tiền thuốc thang mà không đủ tiền để phẫu thuật cho cháu. Anh kể với tôi: "Bác sĩ bảo cháu Linh khi nào được 10kg thì mang ra Viện nhi phẫu thuật, kinh phí khoảng 90 triệu đồng. Bây giờ cháu đã được 12kg mà vợ chồng tôi vẫn không có tiền".
Sau nhiều ngày bàn bạc cùng vợ, anh quyết định gửi vợ dại, con đau ở nhà, viết đơn ra Trường Sa với hy vọng để dành đồng lương thiếu úy của mình trong vòng 1 năm để có đủ tiền phẫu thuật cho cô con gái nhỏ.
Nguyễn Thị Diệu Linh (trái) hiện đã học lớp 7. Ảnh: G.T
Cứ nghe xong bản tin thời tiết thấy trời tiếp tục rét đậm, rét hại, anh lại than không biết con gái có chịu được không? Có cố gắng đợi bố sau 1 năm nữa với hy vọng có đủ tiền xử lý cái bệnh thông liên thất đó không?
Trở về từ Trường Sa nắng và gió, tôi liên lạc ngay với chị Mai Thị Thanh để hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu Diệu Linh. Chị cho biết: "Do rét quá mà cháu đã bị những cơn khó thở, thường xuyên tím tái mặt mày. Càng để lâu tình trạng bệnh của cháu càng nặng.”
Bằng sự giúp đỡ không mệt mỏi của những đồng nghiệp trong làng báo, cuối cùng tôi đã xin đủ số tiền tài trợ để mổ tim cho Diệu Linh. Tôi về Nga Sơn, Thanh Hóa để lấy bệnh án của cháu Diệu Linh ra nộp vào hồ sơ xin mổ tim khẩn cấp.
Đưa các giấy tờ cho tôi cầm đi, Thanh cứ khóc rưng rức. Đến khi 2 mẹ con từ Thanh Hóa ra, được nhập Viện Tim Hà Nội mà vẫn không dám tin đó là sự thật. Và giờ phút chờ đợi rồi cũng đến. 14 giờ ngày 6.10.2008, cháu Diệu Linh được đưa vào phòng mổ.
22 giờ tối, chị Thanh thông báo với tôi: "Anh ơi, cháu Diệu Linh tỉnh rồi, đã được đưa xuống phòng hồi sức" - lúc này tôi mới an lòng.
Từ một cô bé còi cọc vì bệnh tim bẩm sinh, giờ đây Diệu Linh đã thành một thiếu nữ, đang học lớp 7, và được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Còn đối với Nguyễn Đức Anh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở một loạt các điểm đảo, như Đá Thị, Song Tử, Sơn Ca, hiện tại anh đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo cấp I Nam Yết. Anh cho biết “tuy phải xa gia đình thường xuyên, và công tác trong điều kiện thương đối khắc nghiệt và vất vả, nhưng lúc nào cũng yên tâm công tác, vì anh và gia đình luôn nhận được sự quan tâm đúng lúc, kịp thời của thủ trưởng đơn vị và cộng đồng xã hội. Và anh nguyện với lòng mình sẽ phấn đấu và lỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, của các nhà báo đã giúp đỡ gia đình mình.