Thứ trưởng Trường cho biết: Thông tư 197 của Bộ Tài chính triển khai nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ đã nêu rõ, đối với xe máy sẽ giao cho UBND các phường, xã trực tiếp thu. Toàn bộ nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng duy tu, bảo dưỡng đường bộ của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai có thể chậm hơn do phải đợi mức thu cụ thể từ HĐND các tỉnh, thành. Song, thời điểm thu vẫn tính từ ngày 1.1.2013.
Nhưng lượng xe máy trên một địa bàn không cố định, khó kiểm soát chính xác số xe của từng hộ dân?
- Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có cách kiểm soát toàn bộ số xe máy, sẽ phối hợp thông qua các hệ thống đăng ký để nắm được xe đó của chủ xe nào, đã đóng phí chưa. Nhưng cơ bản vẫn dựa trên tinh thần tự khai và tự giác của người dân.
Theo tính toán của ngành giao thông, liệu trong năm 2013 có thể triển khai thu phí đối với toàn bộ 37 triệu xe máy?
- Chúng tôi đánh giá, khả năng trong năm nay chỉ thu được khoảng 50-70%.
Có chế tài nào bắt buộc người đi xe máy phải đóng phí?
- Chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu để đưa ra chế tài. Trước mắt vẫn để người dân tự giác. Cùng với đó có sự kiểm soát lẫn nhau đối với các hộ dân. Thời gian đầu có thể lúng túng, nhưng tin chắc rằng vài ba tháng nữa, việc thu phí đối với xe máy sẽ thực hiện tốt đẹp và ý thức tự giác của người dân sẽ được nâng lên.
Chính quyền phường, xã dường như không mặn mà lắm đối với việc thu phí này. Thậm chí nhiều nơi cho rằng, Bộ GTVT đẩy phần khó về địa phương?
- Hiểu như vậy là không đúng vì Thông tư 197 đã nêu rất rõ, thu phí đối với xe máy là để lại cho địa phương thì địa phương phải trực tiếp thu. Khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này, đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu. UBND cấp phường được để lại 10%, cấp xã là 20%. Đây là sự động viên, khuyến khích để tổ chức, cá nhân đó thực hiện tốt việc thu phí.
Nguyễn Đình (ghi)