Dân Việt

Quản lý rượu truyền thống: Nhiều giấy phép vẫn khó quản

11/01/2013 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Nghị định 94 quy định rõ đối với các tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nếu bán lại cho các doanh nghiệp (doanh nghiệp này đã có giấy phép sản xuất rượu) thì phải đăng ký sản xuất với chính quyền cấp xã.

Báo NTNN số 6/2013 có phản ánh việc triển khai Nghị định 94 quản lý rượu, trong đó có rượu nấu thủ công để hạn chế rượu giả, rượu độc. Nghị định này là hết sức cần thiết, ngưng nhiều hộ nấu rượu ở nông thôn muốn thực hiện đã không biết làm thế nào…

Khó phân định cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh

Chiều 10.1, trời rét căm căm, PV NTNN có mặt tại xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) - nơi có thôn nấu rượu nổi tiếng là thôn Đại Lâm. Cận tết, làng nghề nhộn nhịp đỏ lửa.

Thôn Đại Lâm có hơn 1.000 hộ với khoảng 6.000 dân, tính chi li, cả thôn có khoảng 300 hộ nấu rượu, chưa kể gần trăm hộ khác tại 3 thôn còn lại trong xã Tam Đa cũng tham gia vào làm nghề. Tuy nhiên, số hộ có đăng ký kinh doanh rượu chỉ có hơn 10 hộ.

img
Chưng cất rượu tại làng Vân Xá, Việt Yên, Bắc Giang.

Bà Nguyễn Thị Liên- chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh cho biết, mỗi ngày nhà bà sản xuất được 400-500 lít, ngoài ra bà còn gom rượu của hàng xóm để đổ buôn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà tiêu thụ từ 2.500-3.000 lít tại các khu công nghiệp thuộc Bắc Ninh và Hà Nội. Bà băn khoăn: "Nhà tôi đã có giấy phép kinh doanh, nhưng không biết với nghị định mới thì chúng tôi phải đi đăng ký lại hay làm thêm thủ tục nào khác không".

Giở nội dung Nghị định 94 mới được "down" xuống từ Internet, ông Nguyễn Quang Lân - cán bộ tài chính xã Tam Đa cho rằng: "Với Điều 11, 18 của nghị định này, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu như gia đình bà Liên thì cần phải có 2 giấy phép. Thứ nhất là giấy phép sản xuất rượu, thứ hai là giấy phép kinh doanh rượu. Bà Liên còn thiếu giấy phép sản xuất". Ngoài ra, Nghị định 94 cũng quy định rõ đối với các tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nếu bán lại cho các doanh nghiệp (doanh nghiệp này đã có giấy phép sản xuất rượu) thì phải đăng ký sản xuất với chính quyền cấp xã.

Điều 12 của Nghị định 94 quy định các hộ sản xuất rượu phải đăng ký với UBND cấp xã và bán rượu cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất. Điều 18 quy định: Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được xác định theo số dân trên cả nước theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/400.000 dân. Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu (ở cửa hàng bán lẻ) tại quận, huyện là 1 giấy phép/1.000 dân.

Về điểm này, ông Lân e dân khó làm: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là làng nghề truyền thống, bà con quen sản xuất kiểu thủ công, làm tới đâu bán trực tiếp tới đó, không ai bán qua các doanh nghiệp chế biến rượu. Nấu quy mô nhỏ nên họ cũng không thể làm mã số, dán tem, dán nhãn… và đăng ký giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh".

Ông Vũ Đình Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa thì lo ngại: "Lâu nay đến quản lý rượu giả, rượu lậu chính quyền còn gặp nhiều khó khăn, nói gì đến việc quản lý số lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh, đăng ký cho các hộ sản xuất rượu. Trong khi đó, chúng tôi chưa được tập huấn nên chưa biết phải làm thế nào".

"Siết" cơ sở buôn bán

Ngoài việc chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp phép sản xuất rượu, cái khó còn ở chỗ nghị định còn "siết" chặt việc cấp phép đăng ký kinh doanh buôn bán rượu. Chẳng hạn như số cơ sở được cấp phép phải được tính dựa trên tổng số dân trên địa bàn. Ông Vũ Đình Minh lý giải, Nghị định 94 quy định cứ 1.000 dân mới được cấp phép 1 cơ sở kinh doanh, buôn bán rượu. "Nếu áp tiêu chí này, sẽ có hơn 300 hộ đang sản xuất, buôn bán rượu ở xã phải "treo nồi" hoặc ngừng hoạt động. Toàn xã có 12 nghìn dân, như vậy, chỉ có 12 hộ được cấp phép kinh doanh, buôn bán. Xã sẽ rất khó trong việc xác định cấp phép, nhận ai, bỏ ai…".,

Một bất cập khác cũng liên quan tới vấn đề hạn chế cấp phép kinh doanh buôn bán rượu đó chính là có hay không tình trạng người dân - trực tiếp sản xuất, chế biến rượu sẽ bị ăn chặn. "Nghị định không siết chặt việc sản xuất vì tất cả các hộ dân đều có thể sản xuất rượu đổ cho đại lý, doanh nghiệp (có giấy phép sản xuất, kinh doanh) vì chỉ cần đăng ký sản xuất với chính quyền là được. Thế nhưng việc siết chặt "đầu ra" bằng cách khống chế quy mô cơ sở được cấp phép kinh doanh, buôn bán trên đầu dân sẽ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Lượng rượu sản xuất trong dân đổ ra ồ ạt mà chỉ có 1-2 doanh nghiệp, cơ sở thu mua. Về lâu dài, người dân có thể bị ép giá" - ông Minh phân tích.

Theo Hiệp hội Làng nghề, cả nước có khoảng 40-50 làng nghề nấu rượu truyền thống, phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Một số làng nghề đã xác định thương hiệu chung của làng như rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu làng Vân (Bắc Giang); rượu Kim Sơn (Ninh Bình). Tuy nhiên, ngay cả ở các vùng sản xuất rượu này vẫn còn hàng ngàn hộ sản xuất rượu nhỏ lẻ không nhãn mác và cũng đang chịu "nạn" nhái nhãn mác rượu làng nghề. Người dân hy vọng Nghị định 94 có thể "quét" được rượu độc, rượu giả và hỗ trợ người dân sản xuất rượu an toàn.

Thực tế khảo sát của NTNN tại xã Tam Đa cho thấy, dù là làng nghề sản xuất, buôn bán hàng ngàn lít rượu/ngày nhưng rất ít hộ đảm bảo đủ các yếu tố nguyên liệu, vệ sinh, nguồn vốn, mặt bằng, có kho hàng, có đầu mối bán đi 6 tỉnh… Muốn đạt được tiêu chí này, các hộ sản xuất rượu ở làng nghề phải có vốn đầu tư rất lớn mà như bà Liên và hàng chục hộ khác khẳng định "rất khó để vay và đầu tư trong thời gian này". Vì thế, các hộ nấu rượu ở làng nghề Tam Đa mong muốn có những quy định sát thực hơn để họ có thể thực hiện dễ dàng.

Ông Lê Danh Bắc - Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Yên Phong khẳng định: "Người dân nấu rượu ở quy mô gia đình không có công nghệ khử độc tố trong rượu nên nghị định hướng họ bán rượu cho các doanh nghiệp có năng lực để các doanh nghiệp xử lý, khử độc tố… và đóng chai bán ra thị trường. Như vậy, các hộ gia đình này phải đăng ký với chính quyền xã. Chúng tôi sẽ hướng dẫn UBND các xã bộ hồ sơ này để xã hướng dẫn cho bà con".

Quy định cần cụ thể

"Ai cũng biết đặc thù ở các cơ sở nấu rượu là bán trực tiếp cho khách hàng (thậm chí khách tín nhiệm còn tới tận nơi mua). Như vậy họ thuộc diện vừa sản xuất, vừa bán. Đối với người trực tiếp sản xuất rượu bán ra thị trường thì việc đăng ký và cấp phép tại ngành công thương. Muốn vậy, các chủ cơ sở, doanh nghiệp cần phải đảm bảo đủ các yếu tố như: Quy mô, mặt bằng, sản lượng, nguồn vốn, điều kiện an toàn vệ sinh… Khi sản phẩm bán ra thị trường phải được dán tem, nhãn, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm. Quy định này khó "áp" cho cơ sở làng nghề mà thường là dành cho doanh nghiệp".

Xã đành chịu thua

"Xã chúng tôi có hàng trăm hộ tự nấu rượu uống và bán loanh quanh ở chợ, giờ bảo bà con đi đăng ký sản xuất là chuyện gần như không tưởng. Đặc tính của bà con dân tộc là nhận thức chưa cao. Chính vì thế, rất khó để tuyên truyền hoặc nói bà con đi đăng ký. Có lẽ xã cũng đành chịu thua thôi!".