Trước đây, quê chị Nguyễn Cửu Thị Thương, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế đất chật người đông, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cây lương thực như ngô, khoai, lạc. Chị Thương nghĩ, nếu cứ sống nhờ vào mùa vụ thì cuộc sống sẽ khó đổi thay.
Năm 2003, chị lên tiểu khu 1, xã Dương Hòa khai hoang 5ha đất để trồng rừng. Chị kể, 1ha đất rừng thời điểm đó đầu tư khoảng trên 1 triệu đồng, trong đó 1ha trồng khoảng 1.000 cây keo giống, giá 1.000 đồng/cây. Không có tiền thuê nhân công, sau khi mua được cây giống, ngày nào vợ chồng chị cũng vác rựa, cuốc vào rẫy đào hố, trồng cây. Cần mẫn từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng gia đình chị cũng trồng xong 5ha keo lai.
Rừng keo của chị Thương. |
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, chị Thương chia sẻ: Năm 2003, phong trào trồng rừng ở Dương Hào chưa phát triển vì không ai nghĩ đến thu lợi từ việc trồng cây lâqu năm. Các hộ có rẫy chỉ trồng cây ngắn ngày như lạc, ngô... Nhờ hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã, tôi quyết định trồng rừng và chọn keo lai là cây trồng chủ lực. Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ngoài tận dụng đất trống đồi trọc trồng keo lai, chị còn chăn nuôi trâu, bò.
Phấn khởi với kết quả ban đầu, chị đầu tư mua 1 con trâu đực giống to khỏe và mỗi năm cố gắng mua thêm 1 con trâu nái. Cứ thế, gần 10 năm chăn nuôi trâu, đến nay gia đình chị đã có 10 con trâu, trong đó có 5 con sắp sinh sản, 4 con bò. Thu nhập từ rừng, cứ 1ha keo lai, sau 5 năm trồng cho thu hoạch 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng.
Đất không phụ công người, đến nay hơn 30ha keo của gia đình chị đã đến thời kỳ cho thu hoạch. Riêng năm 2012, gia đình chị thu 460 triệu đồng từ 10ha keo lai, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng.
Cộng tất cả các nguồn thu từ rừng và chăn nuôi trâu, bò, mỗi năm gia đình chị có gần 500 triệu đồng. Chị còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ, với lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Thanh Nga