Dân Việt

Trường đại học danh giá của Anh theo dõi email học sinh

Khôi Nguyên - The Guardian 27/01/2017 14:15 GMT+7
Trường đại học King ở London đang gây tranh cãi với chính sách kiểm soát học sinh.

img

Các trường đại học của Anh sẽ theo dõi mail điện tử của học sinh

Một trong những trường đại học danh giá nhất của Anh đã cảnh báo học sinh và đội ngũ giáo viên rằng email cá nhân của họ có thể bị giữ lại và theo dõi theo chính sách mới của chính phủ nhằm ngăn chặn khủng bố và bạo loạn. Một thành viên của hội đồng học sinh trường King cho biết, đây là một hành động hủy hoại lòng tin với toàn thể học sinh, khi mà “những học sinh vô tội đang bị đối xử như những phạm nhân”

Chính sách “ Ngăn chặn” của chính phủ Anh được thực hiện ở những trường đại học đang gây một làn sóng tranh cãi rất lớn với cả học sinh và giáo viên, khi họ cho rằng chính sách này là sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư và ngôn luận của mình. Theo chính sách mới của chính phủ, các trường đại học sẽ có quyền được đọc và khóa email của tất cả cá nhân trong mạng lưới nhà trường, và có nghĩa vụ báo cáo với chính quyền và cảnh sát về những hành động khả nghi.  Hiệp hội HEFCE (Higher Education Funding Council) của Anh cho rằng, không chỉ có đại học King mà tất cả các trường khác đều đang thực hiện chính sách này.

“Các trường đại học đã nói rất rõ về chính sách quản lý của mình và giải thích những trường hợp vi phạm. Cách tiếp cận này hoàn toàn nằm trong những quy định của chính phủ và mỗi trường đều có những cách xử lý riêng”, phát ngôn viên của HEFCE cho biết.

Nhân viên của trường đại học King cho biết, nhà trường không có ý định theo dõi tất cả email của học sinh mà chỉ muốn thông báo chính sách mới của mình. “ Đại học King tự hào về cộng đồng học sinh của mình và sự theo dõi sẽ giúp công tác an ninh được thắt chặt”. Tuy vậy, những học sinh của trường đại học King lại có những ý kiến trái chiều.

Một học sinh cho biết : "Một bầu không khí sợ hãi bao trùm khi các học sinh biết được email của mình đang bị theo dõi, nhất là với những học sinh tích cực trong những hoạt động chính trị. Thay vì cảm thấy an toàn hơn, chúng tôi lại lo sợ và buộc những học sinh tham gia hoạt động chính trị và người Đạo Hồi phải tự kiểm duyệt bản thân mình. “

Theo thông báo của HEFCE, hiện nay đã có 84% trường đại học ở Anh áp dụng chính sách theo dõi này. Lo ngại trước những diễn biến sắp tới, hiệp hội Học Sinh Anh Quốc cho biết: “Đây là một ví dụ điển hình của việc chính phủ đã khiến các trường học quay lưng với học sinh của mình, tạo ra một môi trường của sợ hãi và kìm hãm tự do ngôn luận”.

“Hiệp hội chúng tôi đang rất lo lắng về những cá nhân mà chính sách này sẽ ảnh hưởng đến, từ những học sinh da màu đến người theo Đạo Hồi và những học sinh tham gia nhiều hoạt động chính trị”.

Ý kiến này cũng được khẳng định bởi Sally Hunt, thư ký của hiệp hội đại học Anh. Bà phát biểu: “Các trường đại học nên tránh những quyết định tạo ra sự thiếu tin tưởng giữa cộng đồng học sinh và chặn đứng những cuộc tranh luận cần thiết. Việc giám sát email học sinh là một ví dụ của những sai lầm mà bộ giáo dục đang thực hiện đối với học sinh và giáo viên. “