Bố mẹ tôi lấy nhau từ khi vừa rời khỏi giảng đường đại học. Nhà tôi khá ngược đời bởi bố tôi là sinh viên Tổng hợp khoa Văn còn mẹ tôi khoa Toán. Vì thế chẳng nói cũng hiểu sự tréo nghoe trong tính cách của hai người.
Hình minh họa
Mẹ tôi khô khan và rành rọt việc nào ra việc đó. Mọi việc mẹ tôi làm đều phải có kế hoạch và nhất nhất tuân theo kế hoạch đó. Mẹ còn là người thực tế đến mức thực dụng. Cũng bởi lấy nhau trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn nên cái sự thực tế của mẹ nó đẩy cao đến mức phũ phàng. Nhưng bù lại, mẹ là người tháo vát. Cũng chẳng ngoa khi nói một tay mẹ chèo lái nuôi sống cả gia đình từ khi ba chị em tôi hột gà hột vịt lẫm chẫm đi học đến tận khi dựng vợ gả chồng.
Bố tôi, ngược lại, lãng mạn và mơ mộng. Tốt nghiệp Đại học, bố tôi làm giáo viên cấp ba, vẫn yêu văn chương và sống chết với văn thơ. Ngay khi chị em tôi còn nhỏ, nhà có những ngày hết gạo, nhận được nhuận bút cho bài thơ mới đăng báo, bố tôi vẫn rủ hết cả hội bạn thơ đi nhậu. Tiền nhậu quá tiền nhuận bút, lại cắm sổ, lại đợi… bài thơ sau sẽ trả. Cũng bù lại, bố tôi thương vợ thương con, chẳng nề hà gì việc nhà, bếp núc. Một tay bố chăm sóc chị em tôi khi mẹ ra ngoài kiếm tiền.
Trái dấu thường hút nhau, nhà tôi như sao đổi ngôi nhưng bố mẹ tôi yêu thương nhau đến mức kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi nghe bố ca thán về cái tính cộc cằn của mẹ, chưa bao giờ bố nói lại khi mẹ tôi to tiếng. Mẹ cũng không một lần oán thán chuyện bố không mang tiền về nhà. Chúng tôi cũng không được quyền phê phán bố hay mẹ trước mặt người kia nếu không muốn ăn roi. Hai người, tưởng như hai thế giới riêng nhưng vẫn yêu và quấn quýt nhau đến lạ.
Có lần, tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện của hai người khi họ cùng ngồi nhặt rau cho bữa chiều. Bố tôi bảo, “Nhà thơ X. vừa mất rồi đấy bà biết không? Rõ khổ. Ông ấy sống khổ sống sở cả đời. Đến khi tập thơ mới được ghi nhận, còn chưa kịp nhận giải thì lại chết. Thơ ấy mà, nó…” Bố tôi mải mê nói về thơ, về ông X, về tập thơ Y… Mẹ tôi gật gù ra vẻ chia sẻ, “tiếp lời”: “Thế thưởng bao tiền? Cái tập thơ đạt giải ấy! Ông ấy chết thì tiền vợ con lấy hả? Từng ấy tiền là mua được mấy chỉ vàng nhỉ? Ờ mà vàng lại tăng giá đấy. Biết thế tháng trước tôi khoan bán vàng…” “Ừ, cũng sống được cả năm đấy! Thơ của ông X ít người hiểu được lắm nhưng nó đi sâu vào tâm khảm…” Cứ thế, hai cụ nói chuyện cả buổi chiều, những câu chuyện không liên quan đến nhau.
Cuộc sống của bố mẹ tôi cứ êm ả trôi qua như vậy. Mẹ tôi về hưu trước. Bà mở thêm quán tạp hóa, cũng mát tay buôn bán, khách khứa nườm nượp. Bố tôi về hưu, chỉ phụ mẹ dọn hàng ra dọn hàng vào. Còn ban ngày vẫn ngồi bình thơ, thưởng trà với cánh bạn thơ. Mẹ cũng không phàn nàn gì, mà còn tỏ ra hạnh phúc khi nhìn mặt bố rạng rỡ khi lại có bài thơ đăng báo, mà tôi thừa biết mỗi lần như vậy mẹ phải đưa thêm tiền để bố khao bạn bè.
Thế nên, khi mẹ tôi gọi điện, giọng khóc nấc đứt quãng bảo bố có bồ, tôi không tin vào tai mình. Hỏi đi hỏi lại mẹ “Mẹ có chắc không? Chắc người ta lại nhìn nhầm ai chứ bố con đời nào như vậy?” “Tao cũng tưởng như mày. Nhưng dì Huê (em gái mẹ tôi) tận mắt thấy họ nhìn nhau tình tứ lắm, ngồi trong quán cà phê ấy. Mà dì mày còn bảo nhìn dáng con mụ ấy quen lắm. Thôi mày nhanh về đây đi với tao. Đi với tao cho cái cặp gian phu dâm phụ ấy một trận. Thơ à? Thầy giáo à? Giờ mới lộ đuôi cáo. Uổng công tao cả đời hy sinh vì lão ấy!” An ủi mẹ mấy câu, tôi vội phi về nhà thì đã thấy các dì đông đủ ở nhà, taxi chờ sẵn trước cửa. Tôi phát hoảng, bảo “Bây giờ con bảo. Chuyện đâu còn có đó. Con cấm cả nhà động thủ hay làm ầm lên mất mặt con. Cứ ra đó xem bố nói thế nào, bà kia nói thế nào rồi để con tính. Con bảo làm gì làm nấy, mẹ nhớ chưa!”
Đi đến quán cà phê mà dì út tôi vẫn ngồi “canh cửa”, từ xa, nhìn bố đang ngồi với một người phụ nữ, nhìn điệu bộ họ rất tình cảm mà tôi cũng thấy bất an. Nhưng khoan, ai kia mà trông quen thế này. Lại gần hơn, cả tôi và mẹ tôi gần như hóa đá, người phụ nữ đó là mẹ chồng tôi!
Bố chồng tôi mất sớm, một mình mẹ chồng vất vả nuôi 3 đứa con. Cũng may con cái đều thành đạt, về già cụ được thảnh thơi làm điều mình muốn. Mẹ chồng tôi cũng là sinh viên Tổng hợp Văn. Có lẽ nào? Nhưng họ gặp nhau lúc nào? Từ ngày chúng tôi kết hôn đến nay hai nhà cũng chỉ qua lại xã giao, cũng có thấy bố tôi và mẹ chồng tôi có biểu hiện gì lại đâu. Tôi đang chưa kịp định thần thì bà dì tôi đã the thé. “Đấy nhé, em có nói sai cho chồng chị đâu! Vợ đang đầu tắt mặt tối ở nhà thì ra đây bình thơ với gái đây này!” Hai người ngoảnh đầu lại, nhìn cả họ nhà vợ đang đằng đằng sát khí sau lưng. Mẹ chồng tôi hốt hoảng làm đổ cả ly nước, bố tôi thì đứng phắt dậy, lúng ta lúng túng “Không như em nghĩ đâu. Để anh giải thích!” Thì ra hai người vô tình là thành viên một câu lạc bộ thơ người cao tuổi, đồng điệu, muốn tìm người chia sẻ và còn là chỗ thông gia nên họ hay gặp nhau nói chuyện và bình thơ. Cũng vì sợ gia đình hiểu lầm nên họ chỉ gặp nhau ở quán cà phê quen. Bố tôi thề sống thề chết không làm gì có lỗi với mẹ. Tôi cũng tin, bố tôi, và cả mẹ chồng tôi không phải người như thế.
Mẹ tôi, sau một hồi im lặng, bảo: “Ông về nhà đi! Tôi mướn người bán hàng rồi tôi với ông bình thơ với nhau. Ông muốn làm gì tôi làm với ông!”