Hơn 25.000 hội viên “mất tích”?Theo báo cáo tổng hợp của thành hội Hải Phòng, tính đến ngày 30.12.2012, toàn thành phố có tổng số 193.529 hội viên nông dân (HVND). Tuy nhiên, đến thời điểm 1.4.2013, chỉ còn 168.347 HV, giảm 25.182 HV (13%).
Đấy là chưa kể một số quận, huyện chưa có số liệu báo cáo. Những địa phương có số lượng HV “mất tích” nhiều nhất là: Huyện An Lão 7.328 HV (32,8%), quận Dương Kinh 991 HV (19,05%), huyện Tiên Lãng 3.579 HV (15,46%)… 9 xã trên địa bàn thành phố có số lượng HV “mất tích” chiếm tới gần 50%, tập trung ở các huyện An Lão, Tiên Lãng, Thủy Nguyên.
Lãnh đạo Hội ND TP. Hải Phòng trao đổi với cán bộ hội cơ sở về công tác quản lý hội viên.
Tình trạng “mất tích” nhiều HV này khiến không chỉ cấp uỷ sở tại, mà bản thân “người trong cuộc” là các cán bộ hội cũng bất ngờ. Ông Ninh Văn Hùng - Chủ tịch Hội ND huyện An Lão bày tỏ "nguồn cơn” rằng, chính ông cũng không tin nổi chỉ thời gian ngắn mà số lượng HV lại rơi rụng nhiều đến vậy. Từ 22.315 HV được các xã, thị trấn của huyện báo cáo vào cuối năm 2012, mới hết quý 1 năm 2013, chỉ còn 14.387 HV (giảm tới 1/3). Hai xã trong huyện có số lượng HV (theo báo cáo) giảm tới hơn một nửa là Trường Thành và Mỹ Đức.
Lỗ hổng trong quản lý Theo ông Hùng, có 4 lý do khiến số lượng HVND ở các xã, thị trấn ở An Lão giảm nhiều. Thứ nhất, do công tác tổ chức của cấp hội cơ sở thiếu quy củ. Việc kết nạp hội viên hàng năm còn mang tính “đánh trống ghi tên”, sau đó ai đi, ai ở không hay biết(!?).
Thứ hai, An Lão là huyện ven đô, có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh. Bởi vậy, lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp khá đông, nhất là thời gian gần đây.
Thứ ba, địa phương có tới 6/17 xã, thị trấn thời gian qua bị thu hồi mất phần lớn diện tích đất nông nghiệp để phục vụ xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dẫn đến lao động nông nghiệp giảm.
Thứ tư, do nhiều HV chưa thấy hết được quyền lợi của mình, trong khi cán bộ hội cơ sở lại quan niệm những HV đã hết tuổi lao động hoặc chuyển đổi nghề không phải là ND nên đưa ra ngoài danh sách HV mình quản lý…
Mặc dù việc “mất tích” HV chỉ là trên giấy tờ, văn bản báo cáo, nhưng nếu không được chấn chỉnh, khắc phục thì hệ lụy của nó sẽ không nhỏ.
|
Liên quan đến tình trạng “mất tích” HV này, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng lý giải: Với 40.000ha đất nông nghiệp của thành phố hiện đã chuyển đổi sang mục đích khác, thì tình trạng giảm số hộ ND, dẫn tới số HVND giảm theo là điều tất yếu.
Ông Chương cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ tăng hay giảm số lượng HV, mà nếu báo cáo không đúng với thực tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoạch định chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Phạm Văn Lương - Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng, khẳng định: "Việc đưa ra lý do hết đất sản xuất dẫn tới giảm HVND chỉ là cái cớ của một số cán bộ hội cơ sở. Thực tế, số lượng HV không giảm tới mức như vậy.
Bằng chứng, mới đây Hội ND thành phố khi về kiểm tra, xác minh các vấn đề liên quan đến công tác hội ở 2 huyện Kiến Thụy và Thủy Nguyên thấy số lượng HV thực tế đang sinh hoạt so với con số báo cáo đầu năm chỉ giảm chút ít do chuyển đổi địa bàn sinh sống hoặc già yếu, hoàn toàn không giảm nhiều như con số báo cáo trên giấy tờ vừa qua.
Căn nguyên, theo ông Lương là do công tác quản lý HV, từ khâu tiếp nhận hồ sơ, đến việc bàn giao sổ sách giữa cán bộ hội cũ và mới không đảm bảo tính kế thừa, hệ thống và quy củ… Điển hình như xã Dương Quan (huyện Thủy Nguyên), sổ sách quản lý HV ghi như… sổ chợ, luộm thuộm.
Ngoài ra, cũng không loại trừ tình trạng đầu năm do phát động HV đóng góp xây dựng, hội cơ sở báo cáo số lượng HV ít đi để giảm mức đóng góp, nhưng khi cần xin dự án hỗ trợ vay vốn, lại báo cáo con số “bềnh” lên(!?).
Mặc dù việc “mất tích” HV chỉ là trên giấy tờ, văn bản báo cáo, nhưng nếu không được chấn chỉnh, khắc phục thì hệ lụy của nó sẽ không nhỏ.
Bởi thế, ngoài trách nhiệm của các cấp Hội ND trong việc rà soát, đánh giá thực chất số lượng và chất lượng HV hiện nay của mình, đề nghị các cấp uỷ TP.Hải Phòng cần quan tâm, chăm lo hơn nữa tới hoạt động của Hội ND, để tránh những hệ lụy về sau do lơi lỏng quản lý.