Theo National Interest, lính dù Mỹ giờ đã được trang bị hệ thống truyền thông bằng vệ tinh, cho phép các thành viên giao tiếp trực tiếp bằng giọng nói, hình ảnh và dữ liệu số hóa.
Công nghệ mới có tên “Khả năng chỉ huy nhiệm vụ tức thì” (EMC-2) được mong chờ sẽ giúp Mỹ tạo ra các "siêu lính dù" do nó cho phép trao đổi thông tin cấp chiến thuật và chiến lược về mục tiêu ngay khi họ đang bay thay vì phải đợi cho đến khi tiếp đất. Những thông tin mà hệ thống này cung cấp có thể bao gồm bản đồ kĩ thuật số, các đánh giá về chiến trường và dữ liệu tình báo.
ECM-2 trên thực tế là một tiện ích mới của Mạng lưới thông tin chiến tranh chiến thuật trên mặt đất (WIN-T) bao gồm các trạm phát sóng radio tốc độ cao nhằm cho phép chỉ huy giao tiếp được với những phương tiện đang di chuyển ngoài chiến trường.
Mỹ rút ngắn được thời gian triển khai của lính dù bằng công nghệ EMC-2
Ngoài tính năng cập nhật vị trí tác chiến thông qua mạng lưới vệ tinh, EMC-2 còn cho phép binh lính đàm thoại video thời gian thực với trung tâm chỉ huy trong khi hành quân. EMC-2 cũng tương thích với radio chiến thuật cầm tay AN/PRC-152 và thích hợp với nền tảng thông tin liên lạc sẵn có trên máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III.
Việc nắm rõ thông tin khu vực mục tiêu đem lại lợi thế rất lớn trong các chiến dịch đột kích, đặc biệt là giải cứu con tin. Các lính dù tiếp đất với những thông tin cơ bản về địa lý, cơ cấu lực lượng, vũ khí của kẻ thù sẽ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ triển khai đội hình, đảm bảo yếu tố bất ngờ.
EMC-2 đang được trang bị đầu tiên cho Lực lượng Phản ứng toàn cầu (GRF), đồn trú tại Fort Bragg, bang New Carolina. GRF thường được giao nhiệm vụ đổ bộ bằng đường không vào những khu vực nguy hiểm của quân địch. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, GRF từng được giao thực hiện những nhiệm vụ chỉ trong vòng vẻn vẹn 96 giờ.