Dân Việt

Clip vẫn tái diễn tình trạng pháo nổ trong đêm giao thừa

Công Xuân 28/01/2017 12:36 GMT+7
Giao thừa Tết Đinh Dậu năm nay, tình trạng đốt pháo tại vùng quê biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn tái diễn bất chấp sự nỗ lực ngăn chặn của chính quyền địa phương.

img

Clip pháo nổ vang trời tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Qua quan sát của phóng viên Dân Việt, loại pháo đốt là pháo hoa, chủ yếu do số thanh niên đi biển mua từ nơi khác đem về.

Việc đốt pháo bắt đầu rải rác từ khoảng 19 giờ tối 30 âm lịch (27.1), đến cao điểm là lúc giao thừa. Pháo được đốt không chỉ tại một vài điểm mà gần như khắp nơi, trong đó tập trung là khu vực thôn Thạch By, Thạnh Đức... với thời gian kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Được biết chính quyền huyện Đức Phổ, xã Phổ Thạnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng đốt pháo trái phép. Nhiều trường hợp vi phạm cũng đã bị xử lý nghiêm khắc. Thế nhưng, do việc đốt pháo diễn ra trên một khu vực quá rộng, nhiều người tham gia; trong khi lực lượng chức năng địa phương lại mỏng nên rất khó để xử lý triệt để.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội) giải đáp: Khoản 3, Khoản 4, Điều 3  Nghị định số: 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 04 năm 2009 của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng pháo” giải thích:

Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số: 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 04 năm 2009 của Chính phủ, không chỉ pháo nổ mà ngay cả pháo hoa, thuốc pháo hoa thì việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép cũng bị nghiêm cấm. (Trừ các loại pháo hoa được sử dụng quy định tại Điều 5 của Nghị định này như: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép; pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa; pháo hoa lễ hội bằng giấy…)

Việc xử lý hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Theo đó: điểm b, Khoản 2 điều luật trên quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép; điểm d, Khoản 4 quy định:  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.