Dân Việt

"Nhiều ông chồng nghĩ khi ăn Tết nhà ngoại, họ chỉ là khách"

Thùy Anh (Thực hiện) 30/01/2017 19:49 GMT+7
Sau một năm bận rộn, mệt nhoài vì mưu sinh, Tết đến là thời điểm để con người ta tụ tập, sum vầy, nghỉ nghơi bên gia đình thân yêu. Thế nhưng hiện nay, nhiều cặp vợ chồng vẫn còn tranh cãi chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Xung quanh vấn đề này PV Báo Dân Việt đã có cuộc PV với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

img

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Theo ông, vì sao mọi người lại đặt vấn đề ăn Tết nhà ngoại?

- Câu chuyện ăn Tết ở nội hay ăn Tết ở ngoại không phải tới bây giờ mới rộ lên. Nhưng có lẽ kể từ khi xã hội hướng tới một cuộc sống mà chất lượng sống cao hơn, tinh thần dân chủ và kể cả khía cạnh công bằng xã hội, công bằng giới cũng tốt hơn trước thì người ta lại quan tâm nhiều hơn tới chuyện  ăn Tết ở đâu cho hài hòa.

Giai đoạn cả nước còn xuống đồng, mùng 2-3 Tết đã phải xuống đồng thì đi đâu không quan trọng. Thế nhưng từ khi tinh thần chủ nghĩa nam trị bị công phạt, con gái hay con trai đều là con và số lượng ngày nghỉ nhiều lên, mô hình thỏa mãn vui chơi trong ngày Tết có nhiều hơn… thì người ta mới đặt ra vấn đề ăn Tết nhà nào.

Đâu là nguyên nhân khiến cho các ông chồng giữ quan niệm cần ăn Tết nhà nội, thưa ông?

- Xét về phương tiện truyền thống, thì gia đình Việt Nam là gia đình gia trưởng, gây dựng trên chế độ nam trị theo huyết thống. Và huyết thống thì tính về nội tộc, dựa trên quan niệm “con gái là con người ta” thành thử từ trước tới nay xét về nhiều góc cạnh thì người ta vẫn đặt vấn đề Tết cần ở nhà nội chứ không ai ở nhà ngoại.

Tuy nhiên theo mô típ trước đây, con gái chủ yếu lấy chồng gần, nên không quan trong chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Giờ vấn đề phức tạp hơn nên mới đặt vấn đề ưu tiên chia sẻ tình cảm và ăn Tết nhà ngoại hay nhà nội.

Nhiều ông chồng xem việc ăn Tết nhà vợ là đi làm khách? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Mặc dù như trên đã nói cuộc sống giờ hiện đại, người ta đòi hỏi nhiều hơn sự công bằng. Tuy nhiên, công bằng chỉ là công bằng theo nghĩa thời gian thôi, còn đàn ông vẫn quan niệm ở nhà người ta, người ta mới là ông chủ. Ở đây không đơn giãn là chỉ là vấn đề nam trị hay giai trưởng mà nó còn vấn đề thể hiện quyền uy của người đàn ông. Nhiều ông chồng nghĩ chỉ khi sống trong gia đình của họ thì họ mới được thể hiện quyền uy, họ được khấn vài tổ tiên, còn nếu ăn Tết nhà ngoại thì họ chỉ là khách. Chính vì vậy mà họ chỉ muốn ăn Tết nhà nội.

Chỉ một số ít ông chồng đồng ý ăn Tết nhà ngoại, nhưng thực tế họ cũng không vui vẻ lắm. Họ đồng ý ăn Tết nhà ngoại cũng chỉ bởi muốn muốn thỏa mãn yêu cầu của vợ và bố mẹ hai bên mà thôi.

Vậy theo ông, các cặp vợ chồng cần làm gì để có thể chia sẻ hài hòa việc ăn Tết nhà nội và Tết nhà ngoại?

- Tôi thấy, cuộc sống giờ cũng cởi mở hơn, hiện đại hơn thế nên nhiều người cũng không đặt nặng vấn đề ăn Tết nhà nào. Theo tôi, đêm 30 thì mọi người có thể ăn Tết bên gia đình nhỏ của mình, còn sáng mùng 1 thì về nhà nội, sáng mùng 2 về nhà ngoại và đi thăm hỏi, chúc Tết mọi người. Cuộc sống hiện đại, nếu có kinh tế, đủ thời gian, phương tiện thì các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể chia sẻ và ăn Tết cả hai nhà.

Cảm ơn ông!