Tôi cho rằng con cháu có niềm vui riêng của con cháu, theo đúng lứa tuổi của họ. Tuổi trẻ thích hợp với việc vui chơi, khám phá, vì vậy họ cần tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để đi du lịch là hợp lý rồi. Đến khi tuổi cao có muốn đi đến các vùng đất mới, tìm kiếm thử thách thì sức đã cạn, chân đã mỏi. Do đó người già nên thông cảm với họ.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà
Ngoài ra, các gia đình trẻ trong cuộc sống hàng ngày cũng chịu không ít áp lực. Họ mải làm ăn, bươn chải, phấn đấu sự nghiệp, nuôi dạy con cái. Vì thế thời gian vui chơi dành cho gia đình, vun đắp tình cảm vợ chồng cũng rất ít ỏi. Nếu cứ buộc họ phải loanh quanh ăn Tết truyền thống, đi hết quê ngoại đến quê nội để thực hiện lễ nghĩa thì cho dù nghỉ dài ngày vợ chồng trẻ càng mệt mỏi hơn, lấy đâu thời gian giải trí, thả lỏng. Mà không thư giãn, không vui vẻ thì làm sao có thể quan tâm, yêu thương lẫn nhau được.
Tôi nhớ đến một ông bạn già, vợ ông chết sớm, nên ông đã xây sẵn ngôi nhà 3 tầng to để khi con lấy vợ, về sống chung. Ông ấy rất vui mừng, phấn khởi, nhưng chỉ ở 3 năm, ông lại đòi ra ở riêng. Ông ấy kể với tôi, có lần ông ấy dự định đi về quê 3 ngày, nhưng được 2 ngày ông ấy quay về. Đến nhà, ông ấy tự mở cửa vào, thấy trên tầng, có tiếng đùa giỡn vui vẻ của hai vợ chồng. Đi thoáng qua phòng, ông nhìn thấy hai vợ chồng dọn bữa ngay trong phòng ngủ, vừa ăn vừa cười đùa, trêu chọc lẫn nhau. Ông đánh tiếng cho hai con biết mình về thì ngay lập tức, tiếng cười im bặt. Con dâu, con trai lại nghiêm túc ra cửa, bề bậc chào bố lễ phép.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà: "Người già nên tự tạo niềm vui phù hợp với sở thích của mình". Ảnh minh hoạ: IT
Ông ấy bảo: “Lúc đó tôi mới hiểu, vợ chồng con sống với mình phải kìm nén thế nào. Chúng đánh mất đi cơ hội sống một tuổi trẻ sôi nổi, trao đổi tình yêu nồng nàn. Vì thế, tôi nên sống riêng để dành khoảng trời tuổi trẻ cho con”.
Từ câu chuyện của ông ấy, tôi muốn nói, bố mẹ nên hiểu sớm được điều này. Tết của người già khác Tết của thanh niên. Do đó không nên trói buộc thanh niên vào các thói quen, sở thích của người già. Cuộc sống hàng ngày cũng vậy.
Người già thích Tết cổ truyền với các tục lệ loay hoay xung quanh ban thờ, thắp hương, cúng lễ, sinh hoạt chung với gia đình. Nhưng đó là cái Tết của xã hội nông nghiệp, gia đình cùng ăn chung, làm chung một công việc, thời gian và các thói quen, sở thích giống nhau. Còn giờ mỗi người có cuộc sống, nghề nghiệp, chỗ ở riêng. Do đó nếp nghĩ, sở thích cũng khác. Nếu cứ buộc tất cả các thế hệ vào các nếp cũ sẽ gây mâu thuẫn, sẽ khiến nhiều người không hạnh phúc.
Do đó, người già nên tự lo Tết cho mình theo cách mà mình thích. Có thể là khói hương cho tổ tiên, đi chùa, tụ tập bạn bè đánh cờ, thưởng chè, đánh tổ tôm, tán gẫu. Các bạn trẻ có thể đi chơi bóng đá, đi nhảy, đi du lịch… Người già nên tìm niềm vui của tuổi già, tự xây dựng cho mình cái Tết riêng mình, không nên áp đặt điều đó như nhiệm vụ, trách nhiệm của các con. Cứ trói buộc con loanh quanh với mình mà con không hạnh phúc, bố mẹ cũng không vui được.
Con hạnh phúc, vui vẻ, sống có ích, làm việc có ý nghĩa, tôi nghĩ đó cách “có hiếu” ý nghĩa nhất rồi.
Tết Nguyên đán thường đồng nghĩa với sum họp, lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy”, sắm sửa, bày biện thể hiện sự sung túc, ấm no. Nhưng nhiều năm gần đây, không ít người đi du lịch “đón Tết” ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, Tết mà không quây quần với bố mẹ, không cúng lễ gia tiên là bất hiếu, là “mất gốc”. Nên hay không nên đi du lịch vào dịp Tết? Ngày Tết có phải nặng cúng lễ mới đủ thành tâm? Báo Dân Việt xin chia sẻ với bạn đọc những chuyện vui buồn xung quanh việc đón Tết ở nhà hay đi du lịch. |