Tại điện chính người dân chen lấn khấn vái, đọc tấu sớ ồn ào.
Đầu năm đi lễ đền, chùa thắp nhang cầu cho mình sức khỏe bình an may mắn và hạnh phúc là tục lệ lâu đời và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa này đang bị lạm dụng, biến tướng.
Sáng mùng 4 Tết (tức 31.1), PV Dân Việt đã về đền Chợ Củi thờ Quan Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cảnh du khách thập phương chủ yếu đến từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định… đông nghịt, tạo điều kiện cho hệ thống quán hàng và dịch vụ trông giữ xe mọc lên như nấm. Các hộ kinh doanh ngang nhiên đứng ra giữa lòng đường để chèo kéo khách, thi nhau lấn chiếm lòng đường để bày bán các loại vật phẩm hành lễ, tình trạng này khiến đường vào đền luôn bị tắc nghẽn, tiếng còi xe rú inh ỏi bát nháo và lộn xộn.
Các bãi đậu xe từ trong đền ra ngoài QL 11 đông nghịt chủ yếu khách thập phương đến từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định.
Dọc các hàng quán gần cửa Đền có hàng chục chiếc bàn viết sớ và khấn thuê, giá của mỗi lần viết sớ và khấn thuê từ 40.000-200.000 đồng. Điều đáng nói là diện tích các điện thờ thì có hạn mà lượng người đông chen chúc vào cầu khấn khiến cảnh lộn xộn ầm ỉ giữa tiếng khấn vái và đọc sớ của các “thầy”.
Đường vào đền tắc nghẽn người
Chưa hết do lượng khách quá đông nên Ban quản lý đã mắc loa liên tục nhắc nhở cảnh báo khách thập phương trước việc một số kẻ gian lợi dụng đám đông, trà trộn vào đền để móc túi, lấy trộm khiến cảnh đền càng hỗn độn, bất an.
Bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi) ở phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh nói: "Đầu năm tôi cùng gia đình ra đền Chợ Củi thăp hương cầu sức khỏe, an lành. Tuy nhiên khi vào điện chính để khấn mà không khí ồn ào bởi tiếng oang oang của các “thầy” đọc sớ, họ làm mất hết cả linh thiêng chốn tôn nghiêm".
Hàng quán bán hàng mã, lễ vật bày la liệt
Đặc biệt, tại đền Chợ Củi tình trạng đốt vàng mã tràn lan không ai kiểm soát. Dọc tuyến đường vào đền các ki ốt bán vàng mã la liệt. Nhiều người còn đội cả mâm vàng mã mang vào dâng lễ. Do số lượng người mang vàng mã đến quá nhiều, chỗ đặt lễ trong đền không đủ, Ban quản lý còn đặt thêm bàn ở ngoài sân để phục vụ du khách. Tại nhà hóa mã, ngọn lửa rừng rực cháy không chỉ hóa tiền âm phủ, vàng mã mà hiện nay nhiều người đã "biến tướng" dâng lễ đồ mã như nhà tầng, ngựa, ô tô…có giá hàng trăm ngàn đồng thậm chí lên đến tiền triệu chỉ trong chốc lát bị hóa thành tro.
Người dân mang vác lễ vật chen chúc vào lễ
Trong khi đó để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tại các lễ hội ngày 12.10.2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, việc đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Khi được hỏi về việc đốt vàng mã tràn lan tại đền Chợ Củi được xử lý như thế nào? ông Nguyễn Sỹ Quý-Thủ nhang đền Chợ Củi cho hay: “Tình trạng đốt vàng mã đã có lò hóa đốt an toàn, còn việc người dân đốt vàng mã ở đền thì thành phong tục rồi không cấm được. Mà ở đây ăn thua gì so với đền Bà chùa Kho”.
Vàng mã đốt nghi ngút.
Khi PV hỏi về tình trạng tại đền Chợ Củi được bố trí nhiều hòm công đức gây mất mỹ quan đền ông Quý nói: “Phong tục của dân ta khi đến đền, chùa họ mang theo tiền chủ yếu là tiền lẻ để làm lễ bỏ vào hòm công đức, đây được coi là tiền nhang dầu nên không bỏ được”.
Không chỉ các điện thờ mà các gian thờ bên ngoài cũng được bày đặt la liệt hòm công đức
Di tích đền Chợ Củi được lập từ đời Lê, đến thời Nguyễn được trùng tu tôn tạo lại như hiện nay. Đền nằm ở phía Tây núi Ngũ Mã thuộc xã Xuân Hồng, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thờ Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần). Năm 1993, đền Chợ Củi được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
|