Người biểu tình phản đối sắc lệnh về nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người Phát ngôn Nhà Trắng, Sean Spicer, ngày 31.1 xác nhận bản ghi nhớ nói trên đã được trình lên quyền Ngoại trưởng Tom Shannon thông qua “các kênh nội bộ” của cơ quan này, một hình thức mà trong đó nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ có thể bày tỏ sự không hài lòng đối với các chính sách. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết ông có biết bản ghi nhớ nêu trên, song cảnh báo các nhà ngoại giao rằng họ “hoặc chấp hành chương trình này hoặc họ có thể nghỉ việc”.
Ông Sean Spicer tuyên bố sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump không cho người tị nạn cũng như người dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số được tới Mỹ không phải là “một lệnh cấm nhập cảnh”.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Sean Spicer đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông coi chính sách đang gây tranh cãi này là “một lệnh cấm”. Ông Spicer khẳng định sắc lệnh của Tổng thống Trump “không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo mà chỉ một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho nước Mỹ được an toàn”.
Theo sắc lệnh được tân Tổng thống Donald Trump ký tuần trước, người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ ko được vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày. Sắc lệnh cũng đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria.
Cùng ngày, Chính quyền bang New York cũng đã tham gia vụ kiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân đến từ 7 quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman đã chỉ trích sắc lệnh này là "vi hiến và trái pháp luật".
Cụ thể, New York sẽ tham gia đơn kiện do Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng. Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa án Tối cao có thể tuyên bố là "vi hiến" một luật do Quốc Hội thông qua, và được tổng thống ban hành.