Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh công bố cách đây hơn một tháng, Bộ từng dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung như mọi năm, mà để các trường ĐH tự quy định và tự công bố ngưỡng đầu vào của từng trường. Tuy nhiên, trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2017, Bộ đã chính thức xác nhận sẽ vẫn công bố điểm sàn chung như năm 2016 trở về trước.
Như vậy, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường.
Điểm sàn khiến thí sinh có ít cơ hội trúng tuyển ĐH? (Ảnh minh hoạ: I.T).
Em Nguyễn Thị Liên - học sinh trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ - Thái Bình) cho biết, khi đọc dự thảo quy chế trước đó Liên rất mừng vì thông tin điểm sàn có thể bị xóa bỏ: "Bỏ điểm sàn, cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ của chúng em sẽ nhiều hơn. Nhiều trường top dưới không tuyển sinh được thí sinh có thể sẽ hạ điểm chuẩn trúng tuyển xuống dưới điểm sàn hàng năm một chút để xét tuyển. Như vậy nhiều bạn sẽ có cơ hội trúng tuyển".
Là thí sinh tự do sẽ tham gia xét tuyển ĐH năm nay, Trần Văn Phương - cựu học sinh trường THPT Ninh Giang (Ninh Giang - Hải Dương) khá thất vọng khi biết quy chế thi mới vẫn quyết định giữ lại điểm sàn.
Phương cho biết: "Năm trước, chỉ vì thiếu nửa điểm không đủ sàn mà em mất cơ hội xét tuyển vào trường ĐH mình yêu thích. Sau đó cũng được biết ngành đó dù đã lấy điểm bằng sàn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh. Em cho rằng đầu vào chênh nhau 1 - 2 điểm cũng không quan trọng, quan trọng là mình học và ra trường như thế nào. Không trúng tuyển trong khi chỉ kém bạn khác 0,5 điểm, em phải ôn thi lại một năm và gặp rất nhiều áp lực về tinh thần khiến nhiều khi em muốn bỏ cuộc".
Nói về việc Bộ GD-ĐT quyết định giữ lại điểm sàn, thầy T.V.C - giáo viên Văn tại một trường THPT trên địa bàn TP.Thái Bình cho rằng: "Việc giữ lại điểm sàn là hợp lý, tuy nhiên Bộ GD-ĐT trước khi đưa ra bất kỳ một thay đổi nào kể cả dự thảo đều nên cân nhắc thật kỹ".
Theo thầy giáo này, trước đó trong dự thảo nói bỏ điểm sàn, Thứ trưởng cũng giải thích rất cặn kẽ vì sao bỏ, dư luận cũng sôi sục một hồi rồi xuôi xuôi vì thấy có lý. Phụ huynh, học sinh và giáo viên cũng xác định là sẽ bỏ điểm sàn (vì hầu như từ trước đến nay dự thảo cuối cùng đều không khác nhiều so với quyết định chính).
"Rồi đùng cái lại giữ điểm sàn. Cách làm của Bộ sẽ khiến dư luận bị hụt hẫng, hoang mang" - thầy C nói.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, quy định về điểm sàn chung sẽ chỉ còn áp dụng cho năm 2017. Từ năm 2018, Bộ quy định các trường phải công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng.
Trong đó, nhấn mạnh về điều kiện đội ngũ, giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, các công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, đặc biệt là thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành)...
Căn cứ vào các thông tin công khai về điều kiện trên, các trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho mình. Cũng theo ông Ga, những trường nào không công bố đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ không được thông bảo tuyển sinh.
Ngoài ra, ông Ga cho biết, Bộ sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện kê khai không đúng với thực tế, Bộ sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với nhóm ngành liên quan.