Với đề văn “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay?”, V.H.L., một học sinh lớp 12, dã viết một bài văn sử dụng nhiều câu thô tục, bậy bạ, những từ lóng....
Từ bài văn điểm 0 cho học sinh chửi bậy: V.H.L. kết luận “trường hợp nào trong chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi”.
Những dòng chữ thóa mạ người thân trên Facebook. Việc người trẻ nói bậy trên mạng xã hội xảy ra khá nhiều hiện nay - Ảnh chụp từ Facebook |
Nói bậy phổ biến
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook cũng rải rác xuất hiện nhiều status của học sinh trung học chửi bậy, nói xấu thầy cô, bố mẹ. Một teen là học sinh lớp 11 Trường THĐ (Hà Nội) từng viết “Không muốn nhận ông bà ấy là bố mẹ” để phản đối việc không được bố mẹ mua vé cho đi xem ca sĩ thần tượng biểu diễn.
Trên diễn đàn của một số học sinh trường THPT, THCS, nhiều học sinh cũng sử dụng để bàn chuyện một cách thoải mái về quay cóp khi thi, về thầy, cô giáo, bạn bè với từ ngữ thiếu văn hóa, nhưng được coi như “mốt ăn nói” trong giới học sinh.
Một cô giáo Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) làm công tác chủ nhiệm lớp 9 cho biết: “Với sự giúp đỡ của một vài học sinh ngoan, tôi vào được diễn đàn của học sinh trong lớp và tôi thật sự choáng khi các em thoải mái văng những từ bậy bạ”.
Tại Hà Nội, chỉ cần dạo một vòng các điểm trường THPT vào giờ tan học, ngồi chen cùng học sinh trong các quán cóc vỉa hè thì có thể thấy nhận định của V.H.L. tuy khó chấp nhận nhưng không phải không có căn cứ. Nam sinh ngồi với nhau nói bậy.
Nhiều nữ sinh ăn diện, xinh xắn cũng nói bậy. Tình trạng nói bậy, chửi tục, hỗn láo đối với thầy cô, cha mẹ và người lớn nói chung đang ngày càng phổ biến hơn trong giới học sinh thành phố.
Em Đỗ Thu Hà, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú, hồn nhiên cho biết: "Không phải ai cũng dám nói bậy trong bài văn như thế nhưng ở bên ngoài thì nhiều. Những lời lẽ, câu chửi như thế bọn em nghe quen lắm”.
Trả lời câu hỏi: “Có bao giờ nói bậy, chửi bậy trong trường như thế không?”, một học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Việc đó là bình thường. Dĩ nhiên trước mặt thầy cô, bố mẹ, bọn em không nói thế, chỉ nói với nhau thôi. Nói nhiều thì thấy cũng không có gì gây sốc”.
Không coi đây là “chuyện nhỏ”, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội thời gian qua đã có nhiều giải pháp. Một số trường đã tổ chức các câu lạc bộ Sống đẹp, diễn đàn trao đổi các vấn đề học sinh quan tâm. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có văn bản nhắc nhở các trường chấn chỉnh và có hình thức định hướng cho học sinh, không chỉ chuyện ăn nói mà cả việc ứng xử với thầy cô, bạn bè...
Tuy nhiên đây là hiện tượng khó chấm dứt nếu như học sinh chưa có nhận thức đúng đắn, chưa kể các em hằng ngày tiếp nhận nhiều thông tin trên mạng khác nhau không được kiểm chứng, chọn lọc, sự tác động tiêu cực từ phía người lớn, từ môi trường gia đình.
Cơ hội của người thầy
Tuy chưa thấy việc học sinh chửi bậy trong bài văn nhưng thầy Vương Gia Thắng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), kể: “Khi còn là giáo viên ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), tôi từng chứng kiến câu chuyện có thật. Một giáo viên mới vào lớp thì nhiều học sinh nhao nhao hô to “M. hâm, M. hâm” (M. là tên cô giáo).
Cô giáo đã rất bình tĩnh nói: “Mời các em ngồi xuống! Cô rất cảm ơn các em đã cho cô biết như thế. Đúng cô là M. hâm, cô hâm thật. Vì hâm nên cô đã từ chối dạy học ở một trường tốt hơn để về đây nhận công việc dạy học tại một môi trường được coi là khó khăn hơn, học sinh cá tính hơn. Thôi thì nồi nào úp vung nấy, chúng ta hãy cùng làm quen với nhau và cô hi vọng chúng ta có thể có tiếng nói chung".
Sau lời đáp lại của cô M., những học sinh nhao nhao áp đảo cô im bặt.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - thì những phản ứng của học sinh, dù trong sinh hoạt thường ngày, trên lớp hay trong các bài văn, đều là cơ hội để người thầy hiểu về học sinh, để biết những căn nguyên dẫn đến các hành vi, thái độ lệch lạc của các em mà có cách chấn chỉnh, giúp đỡ.
Trở lại bài văn học sinh nói bậy, lời phê khá lạnh lùng: “Cần xem lại đạo đức bản thân” cũng khiến nhiều thầy, cô dạy văn có ý kiến khác nhau.
Cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhận xét: "Nhiều năm trong nghề, tôi chưa từng gặp một tình huống sư phạm nào như việc em học sinh viết văn nói bậy. Nhưng đã là giáo viên thì luôn phải chuẩn bị đón nhận những tình huống sư phạm thế này. Việc học sinh nói bậy không phải ít hiện nay nhưng chuyện viết thẳng vào bài văn là hi hữu. Biết đâu khi viết bài văn đó, em học sinh đang bức xúc, tức giận, thất vọng vì điều gì đó, biết đâu em đó đang có những khó khăn, biến cố cần được quan tâm".
“Chắc chắn nếu tôi gặp một bài văn thế này, tôi không dừng lại ở việc cho điểm, mà sẽ gặp em học sinh đó để nói chuyện. Vì đằng sau bài văn là suy nghĩ của một học sinh hoặc của cả bộ phận học sinh mà người thầy cần biết” - cô Kim Anh nói.
Còn cô Nguyệt Anh, Trường Hà Nội - Amsterdam, một cô giáo cực kỳ tận tụy, tỉ mỉ trong việc chấm bài và trao đổi, tương tác với học sinh thông qua bài văn, chia sẻ: “Tôi sẽ không cho điểm 0. Bởi cho dù thông tin trong bài là tiêu cực thì ít nhất bài văn cũng nói lên được một hiện tượng có thật và đáng báo động, nó cũng thể hiện việc em học sinh dám nói thật điều mà không phải người lớn nào cũng biết ở “thế giới tuổi teen”.
Tôi sẽ gặp gỡ, trao đổi, tranh luận và ra thêm những bài văn mở cho em học sinh đó và các em trong lớp. Các em hoàn toàn có thể tranh luận về một vấn đề trong giới của mình để tìm ra điểm tương đồng và một hướng đi đúng hơn”.
Trong một bài văn mở của cô Nguyệt Anh giao cho học sinh Trường Amsterdam, yêu cầu nêu suy nghĩ về quy định mặc đồng phục khi đến trường, có em đã thẳng thắn cho rằng: “Việc mặc đồng phục thật khó chịu và chẳng có ý nghĩa gì cả”.
Bài văn này được cô giáo phê: “C. (tên học sinh) là một cô gái có cá tính, bài văn của con gai góc và chẳng giống ai. Cô tôn trọng việc con dám nói ra suy nghĩ thật của riêng mình, nhưng cô khuyên con nên nghĩ kỹ hơn và thận trọng trong phát ngôn”. Cô Nguyệt Anh kể: “Tôi có gặp riêng em ấy, giữa chúng tôi cũng có tranh luận, nhưng sau đó em ấy đã bị tôi thuyết phục”.
Một bài văn “có vấn đề” không nguy hiểm bằng những bài viết đẹp đẽ theo văn mẫu. Bởi vậy cùng với việc cảnh báo về sự xuống cấp về suy nghĩ, hành vi của học sinh, có nhiều điều chúng ta cần suy ngẫm.